VĂN PHỤNG: NHỮNG CUNG ĐIỆU CÒN LẤP LÁNH TRÊN PHÍM TƠ – LINH PHƯƠNG

Tôi muốn viết ra những hiểu biết về nhạc sĩ Văn Phụng, một nhạc sĩ mà tôi bái phục về tài năng, qua cuộc sống của một  nghệ sĩ  cũng như trong đời thường của ông đối  với mọi người chung quanh trong cộng đồng người Việt tha hương trên xứ người. Thật bản lảnh và tuyệt vời!

Không dễ gì viết về một nhạc sĩ đại tài trong vài trang giấy này, nhưng với lòng ngưỡng mộ về ông, tôi không thể không viết đến ông. Nhạc sĩ Văn Phụng là cây cổ thụ của làng nhạc Việt Nam đã đem nhiều sinh khí sống động vui tươi, đằm thắm, tha thiết, nhân bản đến cho con người.  Những ai đã nghe những nhạc phẩm của ông đều cảm nhận rằng  trong nét nhạc lời ca của Văn Phụng, dường như ông đã đọc được tâm tư và thông hiểu nỗi đau của riêng mình…

Tôi đã được gặp  Nhạc sĩ Văn Phụng rất  nhiều lần qua Nhạc sĩ Nguyễn Túc, một người bạn chí thiết  của ông  suốt 50 năm tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại.  Tại vùng D.C., cứ đều đều mỗi ngày  thứ Năm trong tuần, các ca nhạc sĩ đã  tụ lại nhà “Bác Nguyễn Túc” để ca hát, họp hành, thu thanh và ăn phở free!  Nơi không gian nhỏ bé đó cũng là nơi gặp gỡ của các danh nhân tài tử, nhạc sĩ ở xa khắp nơi đều ghé đến thăm nhau như: Nhạc sĩ Lê Dinh, Anh Bằng, Hoàng Trọng, Trường Kỳ, Ca sĩ Mai Hương, Tuấn Ngọc  v. v…   Những vị cư ngụ tại vùng D.C.  đều đều đến nơi này mỗi tuần thì có Nhạc sĩ Văn Phụng, Nhật Bằng, Nguyễn Tuấn,  và còn có nhiều nhiều những nhân vật có tiếng trong vùng Virginia  mà tôi không thể kể hết tên ra đây… Đều đều có những shows sinh hoạt nghệ thuật đặc biệt giá trị đã được tổ chức tại  vùng Hoa Thịnh Đốn này.

Tôi từ tiểu bang miền Nam của Hoa Kỳ  đến D.C.  trong những  chuyến tham dự văn nghệ, trình diễn dương cầm tại Hoa Thịnh Đốn cũng được họp mặt với các vị này vào ngày thứ Năm, gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng trên sân khấu.  Cũng tại nơi đây,  tôi đã gặp nhạc sĩ Văn Phụng.  Khi tôi chào ông, ông khen tôi rằng tôi đã đi Intro. dạo phần nhạc mở đầu nhạc phẩm  “Mưa” do ông sáng tác rất hay, và ông đã khuyến khích tôi hãy thực hiện nhiều CD nữa để lưu lại cho giòng nhạc Việt Nam không bị quên lãng, mai một.

Ông nói tiếp : “Tiếng đàn của Linh Phương có hồn, nhờ nghe CD của em tôi mới nhớ bài “Mưa” tôi viết rất lâu, nên khi nghe tôi cũng lẩm nhẩm hát theo.  Bài “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn,” và “Tiếng Dương Cầm”  em đàn thật điêu luyện.  Đoạn dạo em sáng tạo một đoạn nhạc cổ điển của Bach làm tôi bất ngờ thích thú!”  Lời Nhạc sĩ Văn Phụng  khen đã làm tôi cảm động, mang đến trong tôi niềm phấn khích tinh thần thêm lên!

Ông rất vui vẻ dễ bắt chuyện từ  đề tài từ thời sự đến âm nhạc… Ông kể những chuyện đời nghệ sĩ khi làm nhạc ở Đài phát thanh Sài Gòn, trong phòng trà, trên sân khấu, rồi bao sự khó khăn sau năm 1975 , đời sống âm nhạc như thế nào không được kể  là nhạc công “biên chế” mà chỉ là “nghiệp dư.  Ông cười và  nói: “Mình làm nhạc mấy chục năm mà họ chỉ cho điểm “nghiệp dư” có nghĩa là không chính thức, mỗi đêm chỉ có mấy xuất hát,  cả tháng chỉ có mấy kí lô gạo trộn bo bo!”

Khi ra hải ngoại,  ông làm văn nghệ phục vụ cộng đồng Việt Nam cũng như cộng đồng bạn.  Mỗi lần trình diễn, ông  đều hát nhạc ngoại quốc cùng cô Châu Hà  song ca những nhạc phẩm ngoại quốc được Văn Phụng viết lời Việt như “Show Hawaii”  đã được  khán giả hoan nghênh.  Ông vừa đàn accordeon và đệm nhiều nhạc cụ khác,  Ca sĩ Châu Hà với trang phục người Ha-uy-di rực rỡ trong vũ điệu  với dòng nhạc êm vui tươi khiến thính phòng sôi động nhiệt liệt tán thưởng!

Tôi còn nhớ lại rằng lúc tôi cộng tác trên Đài phát thanh Sài Gòn khoảng năm 1967.  Đến  giờ nghỉ,  tôi được nghe và thấy ban nhạc người Phi Luật Tân trình diễn đặc biệt trong chương trình “Người Ngoại quốc Trình tấu Nhạc Việt.”   Ban nhạc này đã trình bày nhạc phẩm  “Ô Mê-Ly”  và “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn “ với lối hoà âm và thể điệu Jazz xuất sắc.  Họ nói rằng ban nhạc Phi mê hai bản nhạc này và cảm ơn Nhạc sĩ Văn Phụng đã cho ra đời hai nhạc phẩm tuyệt vời!  Lúc ấy, có  Văn Phụng trong đài và ông hoan nghênh sự trình diễn của họ.  Và sau này, khi tôi có  dịp sang Paris,  tôi đã  vào thư viện tìm tài liệu thì được biết nhạc phẩm “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” của Văn Phụng đã được xem như một tài liệu xử dụng cho dàn nhạc Symphonie,  đủ hiểu tác phẩm của ông tuyệt vời như thế nào!   Ông có tài sáng tác nhiều thể loại theo giai đoạn ông sống, đi, và cảm nhận. Những bản nhạc tiêu biểu tôi liệt kê sau đây :

Nhạc có âm hưởng bán cổ điển: “Tiếng Dương Cầm” – “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” – “Mưa Trên Phím Ngà”.

Bài ca về tôn giáo:  “Ave Maria” một sáng tác ca ngợi mẹ  Chúa Giê-xu.

Về đất nước và  Tình người:  “Các Anh Đi” – “Bóng Người Đi” – “Trở Về Huế” – “Tiếng Vọng Chiều Vàng”  “Mưa”-  “Chán Nản.”

Về tình yêu: “Đêm Ngắn Tình Dài” – “Khúc Nhạc Dưới Trăng” – “Tình”  – “Yêu”- “Suối Tóc”-  “Yêu và Mơ” – Một Lần Cuối” – “Dịu Dàng”-– “Sương Thu” v.v…

Về hợp ca: “Vui Đời Nghệ Sĩ” – “Tiếng Hát Với Cung Đàn” – “Giấc Mộng Viễn Du” – “Bức Họa Đồng Quê” – “Tiếng Hát Đường Xa”  – “ Ô Mê Ly” –  “Ghé Bến Sài Gòn” – “Hết Đêm Nay Mai Sẽ Hay” v.v…

Âm hưởng cao nguyên: “Trăng Sơn Cước”

Âm hưởng ngũ cung: “Trăng Sáng Vườn Chè,” – “Chân Quê.”

Nhạc về Xuân: “Xuân Họp Mặt”  – “Xuân Miền Nam”   v.v…

Ngoài ra ông cũng viết vài nhạc phẩm  không lời tặng cho vợ yêu là ca sĩ Châu Hà ba bài : “Vĩnh Biệt Châu Hà” – “Em Ở Lại” – “Anh Đi,” và nhiều  bản nhạc không lời  (music without word) ông đã cảm hứng sáng tác khi ngồi bên phím đàn.  Không rõ những cuộn băng cassette nay có còn giữ lại được  hay đã thất lạc?

Nhạc sĩ Văn Phụng có tài năng xử dụng nhiều nhạc khí như : Saxo, Trumpet, Clarinet, Sáo , Arcordeon, Piano, Key board.  Ôngđã  được hai bà  Perrier, bà Vượng dạy Piano năm ông lên 15 tuổi.  Ông đã đoạt được giải nhất dương cầm với bài “La prière d’un Vierge “ tại Nhà hát lớn Hà Nội.  Đến năm 1946, ông tản cư về Chợ Còn Nam Định, nương náu trong nhà thờ Tú Trùng, ông đã  được Linh mục  Mai Xuân Đĩnh dạy nhạc lý. Gia đình muốn ông theo ngành y khoa, nhưng ông không ưa thích, và ông đã  bước chân vào niềm đam mê lớn hơn. Đó là ngành nghệ thuật âm nhạc.

Năm 1948, ông về Hà nội nhận được lệnh tổng động viên.  Ông đã  gia nhập vào Ban Quân nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Hội cho hợp lệ quân dịch và cũng đi đúng với sở thích của ông.  Ở ban quân nhạc, ông may mắn gặp được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức là Schmetzer hướng dẫn cho hoà âm.  Do đó, ông trở thành nhạc sĩ hoà âm cho dàn nhạc đại hoà tấu đầu tiên của Việt Nam.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Túc là bạn thâm niên của ông, và lời kể của Ca sĩ Châu Hà là hiền thê  của ông, hai vị này đã  cho biết về các sở thích của  Văn Phụng:  thích nghiên cứu về âm thanh. Khi đi ra ngoài trình diễn, ông đảm trách phần âm thanh.  Vì từ trước 1975, ông đã có cơ hội làm việc với đài phát thanh – đài truyền hình ở Việt Nam, và cơ quan USO của Mỹ , Đài TV 56.  Vì  thế,  ông hiểu biết về  kỹ  thuật âm thanh.  Và mỗi  khi có   show nhạc, ông luôn có tinh thần trách nhiệm,  ông đều đi sớm trước 2- 3 tiếng đồng hồ để đề phòng những  bất trắc có thể xảy ra!

Ông có thêm một tài nữa là khi mua một cây đàn Keyboard điện mới,  ông  mang về tháo ra, xóa hết tiếng đàn cũ, thay vào đó, ông thay thế những âm thanh do ông lựa chọn theo thứ tự, lấy một số âm thanh Tây phương chuyển thành tiếng đàn Việt Nam như đàn tranh, sáo tre, đàn thập lục…

Ông là người bền chí đi đến tuyệt hão khi thu thanh; ông thu thanh bản nhạc viết hoà âm, phối khí thâu nhạc năm bảy lần không nản, lại có khi thức nhiều đêm liên tục  để nghiên cứu về cây đàn mới.

Ông không thích ai đến nói chuyện trong khi ông đàn, hay để ly nước, ly rượu lên trên mặt đàn.

Ông tự đóng kệ nhạc bằng gỗ chung quanh tường để xếp sách trông rất đẹp mắt. Và ông dán những mảnh giấy nhỏ, những suy tư hay viết vài chữ cho ý nhạc khắp nơi trong nhà.

Ông còn cái thú vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, và yêu thiên nhiên.  Ông tự trồng 150  gốc hồng đủ loại biến mảnh vườn nhỏ thành thiên đường hạ giới.

Nhắc lại cái thú vẽ tranh của ông: tại nhà Nhạc sĩ Nguyễn Túc có bức tranh, ông đã vẽ Văn Phụng và Nguyễn Túc ngồi trên ghế mây giỡn với con chó  của ông, trước mặt là núi Phú Sĩ của Nhật đang phun lửa.  Ngắm bức vẽ này tôi cứ cười cười mỗi lần ghé nhà bác Túc.

Ông mơ ước có một ngôi nhà cộng đồng với đầy đủ âm thanh sân khấu trình diễn và các sinh hoạt cho cộng đồng. Ông cũng có nhiều cái thú như ngao du đó đây. Hồi trước lúc ông tậu được chiếc xe van, ông liền  lái xe một vòng nước Mỹ xuyên qua các tiểu bang để có ngẫu hứng sáng tác nhạc.

Tôi rất tâm đắc nét nhạc sâu sắc của Văn Phụng, vì nhận thấy rằng ngoài cái hồn nghệ sĩ lãng mạn thơ mộng, ngoài tài năng vượt bực của ông, Nhạc sĩ  Văn Phụng còn xem  trọng tình người, rất nhân bản và giúp ích dấn thân cho cộng đồng trong các sinh hoạt cần ông.  Thế cho nên,  chẳng có gì ngạc nhiên,  khi Trung Tâm Thuý Nga làm một DVD về cuộc đời ông để vinh danh ông, và có năm nào đó ở Houston, người ta cũng đã mời Văn Phụng  đến tham dự trong chương trình Vinh Danh những người Nhạc sĩ có công với nền âm nhạc Việt không thể thiếu tên ông.

Riêng tôi, mỗi lần bên phím dương cầm, nhạc phẩm “Tiếng Dương Cầm”  và hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa, có đức hạnh, đa tài đa diện của Văn Phụng  long lanh trong những cung đàn bật lên âm thanh tuyệt vời!

                                (Trích trong buổi mạn đàm về Nhạc sĩ Văn Phụng tại Saigon Radio 900 AM tại Houston chiều ngày 19-7-2012)