Tản Mạn về “Tale of Kieu Musical”

Linh Phương

 

Cộng đồng người Việt tại thành phố Houston trong những tháng của mùa Hè năm 2010 bổng dưng trở nên sôi động lạ thường với sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc nào “Kieu Idol,” “Kieu Fever,” “Kieu Gala” và cuối cùng là “Tale of Kieu Musical.”

 

Có khoảng vài ba ngàn người đã thưởng ngoạn “Tale of Kiều Musical” tại Hí viện Morris Cultural Arts Center thuộc Houston Baptist University từ ngày 10-12/9/2010 với năm Shows diễn liên tiếp. Cho đến nay, dư âm tốt đẹp về “Tale of Kieu Musical” vẫn còn vương vấn trong lòng người Houston, cộng thêm nhiệt tình dâng trào giữa vòng các diễn viên, các đoàn vũ công, các võ sinh đã tham dự trong vỡ ca vũ nhạc kịch “Kieu Musical” đã được Công ty Worldwide Stage thực hiện theo thể loại Broadway New York City tại thành phố Houston.

 

“Tale of Kieu Musical” thật sự đã nhận được nhiều lời khen, khích lệ và thương yêu. Lại đã có ý kiến yêu cầu công ty nói trên cho đoàn trình diễn show này lại lần nữa tại thành phố Houston trước khi đoàn sẽ lên đường đi đến California cũng như tại những thành phố lớn có đông người Việt cư ngụ trong các tiểu bang khác trên đất Hoa Kỳ…

 

“Opera” là bộ môn trình diễn nhạc kịch của ca sĩ và nhạc sĩ là một phần của nghệ thuật âm nhạc cổ điển truyền thống Tây phương trong thời đại The Baroque gồm có ca vũ nhạc và kịch để diễn tả một câu chuyện hiểu theo nghĩa đen là “little book” (libretto) với một dàn nhạc hòa tấu trong hí viện. Tưởng cũng nên nói về show trình diễn ca vũ nhạc kịch theo thể loại Opera trên sân khấu Broadway New York, nhà sản xuất và đạo diễn không thể thực hiện show với thời lượng kéo dài lê thê ba bốn tiếng đồng hồ. Thời gian vừa kể là mẫu số chung cho nhà đạo diễn soạn nhạc kịch, ông ta phải phân cảnh, sắp xếp thời gian trình diễn mỗi cảnh (scene) sao cho gọn mà không làm mất đi ý nghĩa chính của truyện kịch. Các cảnh này thay đổi liên tục nhưng hài hòa (harmony), có người đặc trách về âm thanh (sound music) có người phụ trách về ánh sáng, người khác thay đổi cảnh trí qua các hình ảnh power point và thả màn xuống và kéo lên. Vì thế, các diễn viên phải thay đổi trang phục với tốc độ nhanh, nhưng ăn khớp với những người có nhiệm vụ tại hậu trường. Những vấn đề kỹ thuật này muốn thực hiện thành công không phải dễ dàng đâu.

 

Kieu Idol

 

Qua các thông báo loan tin trên Đài TV BYN 57.3 từ tháng 4, 2010 để các thí sinh ghi danh tham dự Kieu Idol. Với hằng trăm thí sinh đông đảo hưởng ứng… Các thí sinh phải hát hai bài bằng Anh và Việt ngữ. Trong số các thí sinh trẻ tuổi này có các cô cậu nói và hát thông thạo Anh ngữ, nhưng tiếng Việt thì yếu; có các thí sinh lớn tuổi nói và hát tiếng Việt xuất sắc, nhưng về phần Anh ngữ thì thiếu tiêu chuẩn… Các vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết được phát hình trên TV BYN để các thính giả gọi vào bỏ phiếu. Ước chừng có năm nghìn người từ bên ngoài đã gọi phone, text hoặc faxed để chọn diễn viên. Cuối cùng, nhà Đạo diễn kiêm Sản xuất Burton Wolfe đã tuyển chọn các thí sinh hát bằng Anh ngữ có giọng ca tốt. Vì Kieu Musical sẽ được trình diễn giữa vòng các cộng đồng người ngoại quốc nên các diễn viên phải hát bằng tiếng Anh, đồng thời Kieu Musical cũng sẽ ra mắt giữa vòng Cộng đồng người Việt. Do đó, các diễn viên cũng sẽ ca hát bằng tiếng Việt.

 

Khi các thí sinh được vào vòng chung kết, họ phải giữ lời hứa theo trọn các buổi tập luyện, nếu người nào vắng mặt liên tiếp ba lần thì sẽ bị loại. Họ đã được Đạo diễn Burton dành nhiều thì giờ để huấn luyện, từ những người không biết diễn xuất nay họ trở thành các diễn viên vừa hát, vừa diễn xuất thật xuất sắc mà chỉ qua một thời gian ngắn ngủi. Tưởng cũng nên nói thêm, những diễn viên này đã chịu khó luyện tập mỗi đêm và liên tục suốt hơn 50 ngày để ngày nay họ đã gặt hái một thành công tốt đẹp không ngờ!

 

“Tale of Kieu Musical” Với Thể Loại Opera

 

Đạo diễn Burton Wolfe là người đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện và sản xuất nhiều vỡ ca kịch Opera từ trước trong các thập niên vừa qua, quí vị có thể tham khảo trongwww.taleofkieu.com thì sẽ hiểu rõ hơn.

Khi đọc truyện Kiều qua bản dịch Anh ngữ, ông cảm thấy hứng thú; vì đây là câu chuyện có một nội dung hấp dẫn. Trong suốt một năm, Ông Burton đã cặm cụi viết phân cảnh và lời ca. Với thời lượng có giới hạn của sân khấu theo thể loại Opera, ông đã thực hiện và cô đọng vỡ Kieu Musical gồm 13 cảnh (scene) với 25 ca khúc. Đạo diễn Burton không thể nào biên soạn lời trong 13 cảnh này đúng y và chính xác như nội dung truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820). Ở đây, Burton đã phỏng theo (adapted) cốt chuyện để viết lời ca, và phần đối thoại rất ngắn. Đây quả không phải là một chuyện làm dễ dàng, nhất là đối với một người ngoại quốc như Đạo diễn Burton.

 

Từ một thi phẩm với hơn ba nghìn câu thơ lục bát của Nguyễn Du, giờ đây Burton đã thu gọn lại trong 13 cảnh với các màn ca vũ nhạc kịch đã được diễn liên tiếp không ngưng nghỉ trong một không khí sôi động và hào hứng. Với một cái nhìn khái quát, theo nhận xét của người viết thì Kieu Musical có nhiều ưu điểm, và dĩ nhiên, cũng có khuyết điểm nhưng ít thôi. Trước tiên, người viết đề cập đến ba tiết mục có liên quan đến nhau: các diễn viên ca với phần nhạc nền xen lẫn các màn vũ lồng vào các cảnh chuyển tiếp… Phần kịch, người viết sẽ nói đến ở phần cuối…

 

Ca Nhạc Vũ Trong “Tale of Kieu Musical”

 

Đạo diễn Burton đã viết lời cho 25 ca khúc, Nhạc sĩ Scott Gehman đã soạn nhạc và hòa âm phối khí, quí vị muốn biết thêm về nhạc sĩ này thì vui lòng vào www.taleofkieu.com. Đặc biệt, nữ Giáo sư Âm nhạc Linh Phương, người đã tốt nghiệp về bộ môn dương cầm khóa đầu tiên tại Viện Quốc gia Âm nhạc Saigon năm 1967. Mãi cho đến giờ chót, hạ tuần của Tháng Sáu 2010, Giáo sư Linh Phương được Công ty WorldWide Stage chánh thức mời giữ nhiệm vụ Music Director & Lyrics Translation để soạn lời Việt cho 25 ca khúc trong thời gian khá gấp rút; vì các diễn viên cần có lời ca tiếng Việt để học thuộc và tập dượt ca hát. Cùng thời gian này, chính Giáo sư Linh Phương đã bỏ ra nhiều công sức và thì giờ để tập luyện cho các diễn viên chính và ban hợp ca (chorus) hát lời Việt …

 

Trước tiên, chúng ta đề cập về ca nhạc:

 

Ca khúc #1 Chorus Prologue “Ode to Nguyễn Du” (“Vinh Danh Thi Hào Nguyễn Du”) đã được Nhạc sĩ Scott Gehman soạn theo thể Do Minor nhạc Á Châu, nhưng rất hùng tráng gần giống như thể loại nhạc hùng Việt Nam. Ban hợp ca với các giọng ca nam nữ người Việt gồm có: Kiều Anh, Lê Thanh Liêm, Raymond Trần, Cindi Trương trổi lên bằng Anh ngữ và Việt ngữ trong cảnh mở đầu của Cảnh 1 nghe rất hùng, nhạc thật hay với đoàn vũ công WyldStyl và đoàn lân xuất hiện trên sân khấu đã tạo nên một bầu không khí sôi động. Cảnh này đã được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt…

 

Ca khúc #3 “Who Were You Dam Tien” (“Đạm Tiên Cô Là Ai?”) trong Cảnh 2 có hồn ma Đạm Tiên xuất hiện. Hai chị em Kiều đi tảo mộ trong dịp lễ Thanh Minh, khi đến mộ của Đạm Tiên, Đạo diễn Burton để cho Thúy Kiều nằm ngủ, hồn ma Đạm Tiên báo mộng xuất hiện đứng sau một màn thưa rũ xuống. Không ai thấy rõ được dung nhan của Đạm Tiên do diễn viên Mỹ Linh Cao đứng phía sau hát, có khăn vải trùm khuôn mặt,(vì là con ma). Người Việt chúng ta khi nghe đến ca khúc này thì cảm thấy cái gì rất lạ, những nốt nhạc mà Scott Gehman soạn theo điệu monotone (vì là hồn ma chứ có phải là người đâu!) giọng của hồn ma trổi lên không có âm điệu trầm bổng…

 

Khi ca khúc này được soạn theo lời Việt thì hát lên rất khó nghe. Trong tiếng Việt thì có vần thanh, bằng, trắc, nếu Giáo sư Linh Phương viết lời theo âm điệu có dấu thì lại không hợp với nốt nhạc monotone do Scott Gehman soạn theo những chuỗi nốt nửa cung dị (acidental) cho sắc thái đượm phần ma quái như ở dưới cõi âm và ông đã thu âm (demo) làm nền sẵn trong dĩa nhạc.

 

Mà thôi con ma có trổi lên như thế nào thì thính giả cũng đành phải nghe đi, đừng đòi hỏi con ma phải hát hay! Ngoại trừ ca khúc “Đạm Tiên Cô Là Ai” hơi khó nghe này, còn lại 24 ca khúc kia của Scott Gehman thật tuyệt vời!

 

Ca khúc #12 “Love For Sale” (“Mua Bán Tình”) trong Cảnh 6, đây là một ca khúc vui nhộn và rất “Fun” với cảnh Tú Bà Kiều Anh diễn xuất cùng đoàn vũ công ca kỹ trong Thanh Lâu do cô Van Shotwell thực hiện Choreographed. Nhạc của ca khúc nguyên tác thật vui nhộn và lời Việt do Giáo sư Linh Phương soạn lại nghe rất … “tếu!” Được biết trong thời gian tập luyện ca cảnh này, Đạo diễn Burton muốn ban hợp ca hát lên với giọng nghe như … “nhão” ra trong không khí của một Thanh Lâu đầy các gái làng chơi và khách mua hoa … nhưng quả thật, các diễn viên đã không có kinh nghiệm trường lớp khoa thanh nhạc (vocal) Đạo diễn Burton đành phải thay vào những tiếng cười khúc khích cho thêm vui nhộn thôi.

 

Ca Khúc #9 “Two Rivers Combined” (“Sông Hai Dòng Cuốn Nhau”) trong Cảnh 5, Ca Khúc #20 “The River of Life” (“Đời Người Tựa Như Dòng Sông,”) trong Cảnh 9 và Ca Khúc “I Dream I Was A Butterfly” (“Tôi Mơ Mình Là Bướm”) trong Cảnh 12 đã nói lên triết lý của đời người nghe rất thấm thía cho sự biến thiên của đời sống… Lúc này có hai vũ công PhuongTong Linda & Yen Le đứng phía sau bức màn thưa với vũ điệu lôi cuốn bởi dòng nhạc tuyệt vời.

 

Có một số ca khúc mà Scott Gehman đã soạn nhạc theo âm hưởng nhạc Á Châu như cảnh Thúc Sinh tỏ tình với nàng Kiều rất hay trong ca khúc #17 “This Way I can Save You” (“Ta Sẽ Cứu Thoát Nàng”) và ca khúc #14 “A Sea Of Blood” (“Dòng Sông Máu”) thật tuyệt vời! Scott phải nhờ các nhạc công người Á Châu xử dụng các nhạc cụ Á Châu khi trình tấu các ca khúc này.

 

Ca Khúc “Kieu I Cannot Live Without You” do Kim Kiều song ca, có một khúc đoạn, Scott Gehman đã viết với những nốt quá cao với tiết điệu nhanh nửa nhịp dồn dập:
“The Emperor’s envoy HoToHien – I believe he can be our people’s friend. He has promised! – If we meet with him this war-ing will end.” Vai nữ Kiều ở khúc đoạn này đã hát chạy như trối chết và lúc cô hát tiếng Việt dường như muốn hụt hơi không phát âm chữ Việt rõ ràng.

 

Nhạc sĩ Scott Gehman đã cho thu âm nhạc nền trong các tracks CD, và sau khi các diễn viên đã tập luyện nhuần nhuyển thì họ đến Studio để thu âm. Các diễn viên hát theo nhạc nền đã được thu sẵn. Đây là một công trình cực nhọc, họ phải hát và thu đi thu lại, nếu có một câu, lời hát nào mà Ông Burton chưa hài lòng. Và công tác thu âm này đã kéo dài rất nhiều giờ, nhiều buổi. Các diễn viên đã thực tập mỗi đêm nên họ đều thuộc lời của những ca khúc. Tâm trí họ thấm nhập với dòng nhạc, khi trình diễn họ đã hát bằng tâm hồn thật sự và nhìn kỹ không có một sơ hở nào trong năm shows trình diễn vừa qua.

 

Nếu phải kể hết 25 ca khúc trong vỡ Opera “Tale of Kieu Musical” thì rất dài, người viết chuyển qua phần diễn xuất của các diễn viên.

 

Kieu Idol và Diễn Xuất

 

Suốt năm shows trình diễn, các nhân vật chánh và phụ đã diễn xuất rất “đạt,” họ đã làm trọn nhiệm vụ qua các vai trò của mình. Đạo diễn Burton đã chọn hai cặp diễn viên để đóng vai Kim Trọng và Thúy Kiều. Có hai Mã Giám Sinh, và một Tú Bà.

 

Các nhân vật chánh: Trong ba shows do các diễn viên Vân Thy Phan & Quốc Vũ (Kiều 1 & Kim 1) Về vóc dáng cặp này cao ráo, cả hai hát tiếng Anh thì tốt, nhưng tiếng Việt, đôi chỗ họ đã không phát âm rõ ràng. Cô Kiều 1 (Vân Thy) trên sân khấu không có nét mặt vui và phần hóa trang trên khuôn mặt quá trắng. Kỹ thuật hoá trang dưới ánh đèn sân khấu ca kịch khác nhau, tùy thuộc vào ánh sáng do đôi tay chuyên viên hoá trang tùy theo các phân cảnh.

 

Các diễn viên sau đây phát âm tiếng Anh và Việt rõ ràng: Joey Việt Quốc Đậu đóng vai Mã Giám Sinh 1, cô Kiều Anh giữ vai Tú Bà, cô Rose Phan với vai Hoạn Thư 1. Cả ba đều diễn xuất không chê vào đâu.

 

Hai shows do các diễn viên Uyên Vi Trần & Việt Nguyễn (Kiều 2 & Kim 2). Cô Uyên Vi vóc dáng thấp, nhưng phát âm tiếng Anh và Việt đều rõ ràng, cô này có nét mặt tươi vui. Việt Nguyễn khi hát tiếng Anh không được chính xác lắm, nhưng tiếng Việt thì không có gì để nói, vì anh từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ có vài ba năm thôi.

 

Trong Cảnh 2, hai chị em Thúy Kiều & Thúy Vân đi tảo mộ, vì vóc dáng cô Uyên Vi thấp, lúc Kiều 2 đứng bên cô em là Thúy Vân (cô Khánh Lê có vóc dáng cao) vì thế, trông không đẹp. Philip Hiệp Nguyễn đóng vai Sở Khanh không chê nỗi, người viết có hỏi chàng Philip: “Anh đóng vai Sở Khanh có mệt không?” Chàng ta đáp: “Có mệt gì đâu! Tớ thủ vai Sở Khanh mà chỉ nói có mấy câu còn chung quanh có cả đống phụ nữ … Hah! Hah! Hah!” Anh chàng Sở Khanh này có giọng … “đểu” thật !

 

Billy Thành Mã giữ vai Mã Giám Sinh, chàng này diễn xuất khá xuất sắc. Cô Đỗ Thị Cẩm Sa đóng vai Hoạn Thư 2, cả hai đã chu toàn nhiệm vụ.

 

Andy Phạm thủ diễn vai Thúc Sinh hiền lành (chỉ có một diễn viên cho vai này) và anh đã làm trọn nhiệm vụ với hai bà ghen tương Hoạn Thư. Nguyễn Lâm với thân hình vạm vở thủ vai Tướng quân Từ Hải rất khá, nếu anh biết thay đổi trang phục (tướng mà). Zac Nguyễn thủ vai Hồ Tôn Hiến, anh chỉ có nói mà không có hát, chàng này trông hơi trẻ so với chức vụ Tổng đốc, nếu có diễn viên với tuổi tác ngoài năm mươi thì đúng hơn!

 

Đặc biệt, trong Cảnh 6 là phần diễn xuất của Tú Bà, khi nàng Kiều trong Thanh Lâu, có các ca kỹ nữ hát và múa với trang phục phụ nữ Việt ngày xưa trông đẹp mắt, và như đã viết ở trên, trong cảnh này có ca khúc “Love For Sale,” cô Kiều Anh khá nổi bật trong vai trò Tú Bà này, bên cạnh có một kỹ nữ (cô Dáng Hương) cô này có dáng người cao gầy như người mẫu, cả hai diễn xuất với vẻ tự nhiên rất xuất sắc! Vai trò Tú Bà do cô Kiều Anh có mặt trong năm shows, khi thì đõng đãnh, lúc thì điêu hay lắm! Vai Hoạn Thư do Cẩm Sa và Rose Phan thủ diễn thì kể là tròn vai … Mỗi diễn viên có nét chanh chua ngầm, nỗi đau hằn lên khuôn mặt như đạo diễn đã muốn thể hiện hai khuôn mặt với hai kiểu ghen khác nhau cho khán giả so sánh.

 

Vì phải tóm gọn cảnh Hoạn Thư Kiều và Thúc sinh, Đạo diễn Burton chỉ có vài câu bắt “nàng Kiều nấu và bưng cơm lên hầu Thúc Sinh lẫn lau chùi nhà …” mà không có thì giờ để cho Hoạn Thư hành hạ nàng Kiều cách tàn nhẫn cho thỏa cơn ghen, để làm cho Thúc Sinh đau đớn. Cảnh này đi qua rất ngắn gọn và nhanh, vì thế để lỡ dịp may lấy nước mắt xót thương của khán giả …

 

Trong một vài cảnh cuối, khi Kiều cất tiếng hát, phần âm thanh đã được thu sẵn trong track CD quá to làm át đi giọng hát của Kiều. Đấy là một khuyết điểm cần điều chỉnh.

 

“Tale of Kieu Musical” và Chuyển Cảnh

 

Đạo diễn Burton bắt đầu cho mỗi cảnh với lời đọc các câu thơ của Nguyễn Du bằng tiếng Việt; tuy nhiên, khi vỡ Opera này trình diễn cho người ngoại quốc mà không có lời đọc tiếng Anh thì họ sẽ không hiểu nội dung của cảnh ấy. Ở các cảnh đầu, giọng nam do Nguyễn Ngọc Bảo đọc thơ Nguyễn Du trầm ấm, rõ ràng. Trong buổi rehearsal thì cô Phan Dụy đọc tiếp thơ Nguyễn Du ở phần sau. Không rõ tại sao giọng cô Phan Dụy lại được thay thế với một người nữ khác, nhiều người đều nói rằng giọng đọc của người nữ sau thiếu chất thơ, thiếu truyền cảm…

 

Sân khấu cải lương hoặc thoại kịch Việt Nam có phần chuyển cảnh lâu hơn, trong lúc thay đổi phông với cảnh trí thì có một danh hề bước ra sân khấu kể chuyện hài hước hoặc hát hò không để sân khấu … chết trong thời gian chuyển tiếp, nhưng sân khấu Broadway thì không. Ông Burton cho thay đổi phông bằng các hình ảnh Power Point, đèn trên sân khấu tắt hết, để các diễn viên đi vào bên trong. Người viết đã theo dõi cả năm shows diễn thì đều nhận thấy rằng sau khi Kiều 1 cầm dao đâm tự hủy mình rồi nằm gục xuống (Kiều 2 thì đứng lúc cầm dao đâm vào mình) … thì cả năm lần này, đèn trên sân khấu đã không tắt hẵn, ánh sáng mờ mờ, khán giả vẫn thấy Kiều và Tú Bà đứng lên đi vào bên trong. Không rõ Đạo diễn Burton muốn có ngụ ý gì ở cảnh này mà làm khác hẵn với 12 cảnh kia?

 

Cũng vì thời gian chuyển cảnh nhanh trong vòng 10 giây, Kiều vẫn phải tiếp tục thủ vai trong cảnh sau. Có phải vì thế mà Kiều đã không có đủ thì giờ để thay trang phục khác hay là Đạo diễn Burton chỉ muốn Kiều mặc chỉ có một áo chăng ?

 

– Khi Kiều đi trong lễ hội Thanh Minh thì nàng mặc áo dài, nhưng khi đã bước vào Thanh Lâu thì Kiều phải có trang phục khác chứ không thể nào nàng cứ mặc có một áo dài ấy. Giữa hai cảnh này, Kiều có nhiều thì giờ để thay trang phục.
– Khi Kiều bị Hoạn Thư ra lệnh cho lũ côn đồ bắt nàng mang về nhà mình để làm người hầu nấu cơm, lau chùi nhà thì Kiều không thể cứ mặc áo dài ấy (không hợp lý tí nào cả), thay vào đó Kiều phải mặc áo ngắn (người tớ mà!)

 

Cảnh 10: Tướng quân Từ Hải và đoàn quân của Hồ Tôn Hiến.

 

Khi chuyển sang cảnh này, Đạo diễn Burton cho trổi lên khúc nhạc hùng tráng làm nền, đồng thời ảnh Power Point xuất hiện hai con ngựa to lớn với âm thanh hí vang rền làm biểu tượng cho một cuộc tranh hùng của hai đạo quân Từ Hải và Hồ Tôn Hiến … Thế rồi đoàn binh từ bên trong tiến ra thật hùng dũng với khí thế quyết đấu. Đây là một cảnh rất sôi động với các võ sinh nam nữ thuộc hai Võ đường Hoa Lư Vovinam và Lộ Đức, họ đã trình diễn các pha biểu diễn đặc sắc của võ Việt như phóng người lên và dùng hai chân cặp vào cổ của đối phương khiến khán giả hồi hộp, nghẹt thở. Cảnh này đã được khán giả vỗ tay vang dội vì ưu điểm ấy! Tuy nhiên, cảnh này kéo khá dài lâu. Đề nghị cắt bớt phút cho đỡ nhạt, dù biết rằng phải theo tiếng nhạc và tiếng trống đã làm nền sẵn.

 

Như người viết đã nói từ lúc đầu, Đạo diễn Burton muốn tóm tắt câu chuyện trong một nhạc cảnh rất ngắn, và trong vỡ Opera này, Tướng quân Từ Hải đã không chết đứng vì bị tên bắn mà chỉ vì lời “dụ khị” của Hồ Tôn Hiến: “Chúng ta hãy cùng bắt tay (shake hand) nhau!” Thế rồi, Hồ Tôn Hiến đã rút dao ra đâm Từ Hải. Đây là một phóng tác của nhà đạo diễn mà thôi. Thật ra, khi đã là một tướng quân, võ nghệ đầy mình, sau nhiều năm tháng vào sinh ra tử, Từ Hải sẽ không dễ dàng chết vì lưỡi dao ấy. Chỉ một cái lách mình, một thế võ phản công là Từ Hải sẽ thoát chết ngay !

 

Ý kiến đóng góp của người viết:

 

1. Hai ba trăm năm trước, trong thời đại của Nguyễn Du, áo dài của phụ nữ Việt chưa có, nếu Kiều và Thúy Vân mặc áo tứ thân thì hợp lý hơn …
2. Về trang phục của các diễn viên nam: áo thì tạm chấp nhận, dù cho bộ áo của Tướng quân Từ Hải không ra vẻ nhà tướng. Vào thời đại nói trên, phái nam không mặc quần theo Âu phục và mang giày theo Tây phương. Các diễn viên nam không thể mặc quần và mang giày của thời đại này.
Từ Hải và Hồ Tôn Hiến, một người là tướng quân (warlord) một người là tổng đốc (governor) thì họ phải mang ủng (boot), chứ không thể nào mang giày như thời nay như thế!
Cảnh 11 , Kiều quyên sinh nơi dòng sông, Đạo diễn Burton đã sáng tạo một cảnh thật hay: hình ảnh Power Point hiện trên nền back ground với mặt nước lóng lánh, trên sân khấu một mãng vải vĩ đại được hai người đứng hai bên làm các động tác cho mãng vải trồi lên tụt xuống như các lượn sóng tạo nên ấn tượng thích thú. Đây là một ưu điểm.
Lúc đầu, Kiều đứng ở giữa dòng nước, ở phía sau, khán giả còn thấy thân hình của Kiều, dần dần dòng nước dâng cao, có nghĩa là Kiều đã bị cuốn hút dưới dòng nước quyên sinh. Sau đó, mãng vải này được hạ xuống, đèn tắt hoàn toàn để chuyển cảnh. Đây là kỹ thuật lạ mắt nhưng thật hay làm tăng phần ưu điểm trong cảnh này. Đèn tắt hoàn toàn để chuyển cảnh.
Cảnh 12, Kiều bước ra phía trước nằm đó và mơ thấy đàn bướm, có đoàn vũ công múa bướm xuất hiện với ca khúc #23 “I Dream I Was A Butterfly” (Tôi Mơ Mình Là Bướm”) khi đoàn vũ chấm dứt vũ điệu gần mười phút thì Sư Giác Duyên xuất hiện cứu Kiều thoát chết đuối… Một người tự trầm nơi dòng sông thì khó mà sống sót sau mười phút, nhưng ở đây chúng ta phải hiểu ngầm theo lối phóng tác của đạo diễn để Kiều được cứu sống, rồi sau đó nàng Kiều sẽ tái hợp với cha, Thúy Vân và Kim Trọng.

 

Vở Opera “Tale of Kieu Musical” đã thành công với 13 cảnh ca, vũ, nhạc, kịch với khoảng một trăm người dự phần trong các tiết mục. Tưởng cũng nên nhắc đến tên bạn Sunny Nguyễn, người tốt nghiệp khoa Âm nhạc, người đã có kinh nghiệm sân khấu ngoại quốc từ Canada đến, anh Sunny đã vui vẻ tình nguyện làm công việc của một Assistant Director, trong những ngày cuối, anh là phụ tá đắc lực cho Đạo diễn Burton trên sân khấu trong công tác điều hợp, nhắc nhở các diễn viên, các đoàn vũ, các đoàn võ đến phiên thứ của mình. Vì thế, các tiết mục không bị gián đoạn vì chờ đợi lâu.

 

Thành thật mà nói, nếu không có sáu màn vũ của Wyldstyl Dance Group, của các em vũ công thuộc cô Van Shotwell, của các em vũ công từ lò Hùng Lân thì vỡ ca nhạc Kiều này sẽ trở nên boring lắm! Đạo diễn Burton đã cho mở đầu và kết thúc với hai màn biểu diễn của đoàn võ sinh Vovinam Hoa Lư và Lộ Đức, với đoàn múa Lân, ông cho chen vào giữa các cảnh với các màn múa quạt, đèn và múa bướm do đoàn vũ từ lò Hùng Lân phụ trách. Ngoài ra, khán giả còn thấy các màn trình diễn của hai vũ công PhuongTong Linda &Yến Lê, của Hùng Lân & Quan Trần, của Hùng Lân &Yến Lê… Vì là vai phụ, các vũ công này đều đứng phía sau màn thưa khi vũ. Sau hết, người viết đề cập đến phần thoại kịch.

 

Kiều Musical và Kịch

 

Sân khấu Opera không đặt nặng đến phần kịch nói. Các diễn viên chỉ nói một vài câu ngắn ngủi như vai của Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến; các vai Thúc Sinh và Mã-Giám-Sinh thì vừa có ca vừa có vài câu nói ngắn. Đạo diễn Burton giao phần dịch lời của các câu trong Kieu Musical cho một người khác. Người viết có nghe Thúy Vân nói với chị mình trước khi đi vào bên trong: “Chị … bảo trọng …” Và khi Từ Hải chết đứng, Hồ Tôn Hiến phán một câu với nàng Kiều “Mày chỉ là …con đĩ!”

 

Thiết tưởng, nếu Công ty WorldWide Stage cho thay đổi từ ngữ khác hoặc không có “nhóm chữ nói trên” thì hay hơn nhiều lắm!

 

Trước bài viết này và sau các Shows trình diễn Kieu Musical đã có nhà báo lão thành Nguyễn Đạt Thịnh viết bài “Suy Ngẫm về vỡ Ca, Vũ, Nhạc Kịch “Chuyện Kiều” trên Tuần báo “Thời Báo,” ấn bản Houston số 201; một bài viết khác của bạn Quốc Văn trên Việt Báo Houston số 320; trên Face Book Internet có bài viết bằng Anh ngữ của Huỳnh Quốc Văn, và của một tác giả khác là Nguyễn Đông Khê … Tất cả các bài viết ấy đều khen ngợi về sự thành công của Kieu Musical, về công sức của Đạo diễn Burton Wolf, về sự đóng góp tài năng của Giáo sư Âm nhạc Linh Phương, của Designer Fashion Hồng T. Phan rồi… Người viết không muốn lập lại các lời khen ấy nơi đây lần nữa.

 

Rốt lại, mục đích chính yếu của bài viết này để Công ty Worldwide Stage biết được những ý kiến đóng góp xây dựng, rút tỉa các ưu khuyết điểm (khuyết điểm nhỏ) để về sau đoàn sẽ đi đến các thành phố khác trình diễn “Tale of Kieu Musical” gặt hái thành công tốt đẹp hơn!

 

Trước đây, trong một buổi sinh hoạt văn nghệ, người viết có nghe một ca sĩ từ California và anh ta đã từng cư ngụ tại Houston một thời gian, anh đã lên tiếng: “Dân Texas nhà quê không biết chi về văn nghệ…” Một câu nói có vẻ khinh thị người Houston. Từ trước, khi Cộng đồng người Việt tổ chức ca nhạc thì Ban Tổ chức luôn mời các ca sĩ từ California sang để trình diễn để rồi Ban Tổ Chức phải thanh toán các phí tổn với con số đô-la kếch xù. Nhưng nay, Cộng đồng người Việt tại Houston có thể hãnh diện ngước mặt lên rằng chúng tôi có những tài năng trong lãnh vực nghệ thuật âm nhạc mà không thành phố nào có thể so sánh với người Houston được. Có được kết quả tốt đẹp như hôm nay cũng là do sự gắng công ra sức, đồng tâm hiệp lực của nhóm diễn viên người Việt với sự dẫn dắt của Đạo diễn Burton Wolfe, Giáo sư Linh Phương trong những tháng vừa qua. “Chữ tâm kia bằng ba chữ tài!” (Nguyễn Du) Qua “Tale of Kieu Musical,” một trăm người nam nữ, già trẻ đã có cùng một tấm lòng mong ước bảo tồn và phổ biến văn hóa Việt Nam qua Kieu Musical tại hải ngoại.

 

Đấy là phần thưởng tinh thần vô cùng quí giá cho các diễn viên trong Show Tale of Kiều Musical.