Tản Mạn Về Nhạc Độc Tấu Không Lời (Music Without Words)

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Trung

 

Quần chúng ở thế kỷ 21 trong thời đại văn minh cơ khí này không còn rảnh rỗi để thưởng thức những bài bản âm thanh dài lê thê với loại sáng tác và trình tấu đầy tính bác học nữa.  Họ chỉ chuộng những bài bản ngắn.   Sau thời kỳ nhạc bán cổ điển có lời hát, người ta tìm ra một đường hướng mới chuyên viết những ca khúc với nhạc và lời xuất xứ từ sáng tạo, không nệ cổ như thời bán cổ điển.

 

Những ca khúc theo thể loại này lại lớn mạnh nhanh chóng, khắp nơi niềm nở chào đón. Dòng sông âm nhạc lại rẽ nhánh khác, đáp ứng tinh thần và hoàn cảnh của người hiện đại trong suốt chiều dài của thế kỷ 20.  Sở dĩ những ca khúc như thế đã dễ dàng được người đời ưa chuộng, vì ngoài sự ngắn gọn  so với nhạc cổ điển, những ca khúc này lại còn có tính cách trực tiếp đi thẳng vào vấn đề như một định lý toán học, nét nhạc tức giai điệu ( Melody), và lời hát phải xứng hợp, rồi cũng vì đó sinh ra sự ràng buộc khó tháo gỡ, và chính sở trường của ca khúc lại trở thành sở đoản chính nó.

 

Lấy một ví dụ:  Vì cố gắng sáng tác nhạc để xứng hợp với lời nên bản nhạc đôi khi sinh ra gượng ép, trắc trở; vì lệ thuộc vào lời nội dung,  lời ca hay phổ nhạc vào thơ nên nét nhạc trở nên thô kệch, vụng về.  Ở mổi thể loại loại sáng tác hay để trình tấu đều có những khó khăn đặc biệt của nó. Ca khúc đang ở thế thượng phong (tính thời trang) nhưng tìm được một ca khúc hay, nhạc và lời xứng hợp gắn bó không phải là một chuyện dễ.  Ða số những ca khúc này xấp xỉ một bài hay trong một ngàn bài dỡ. Ca khúc cũng như mọi thứ trên đời đều bị thời gian bào mòn, soi thủng nên trong muôn một được người đời truyền tụng, kế thừa, hẳn đó là những công trình bất tử.

 

Hai tiếng bất tử không do người làm ra một tác phẩm tự phong, mà chính giá trị  cưu mang của nó hợp với sự thẩm định của người đời.  Thời nào cũng thế, ai cũng công nhận cái giá trị đó.  Như đã nói ca khúc chuyên chở lời hát và giai điệu, nếu tách rời một trong hai, ca khúc mất đi hiệu quả.  Tuy nhiên, cũng có những ca khúc quen thuộc, chỉ nghe nét nhạc, người ta cũng vẫn hát theo được những lời hát của bản nhạc ấy hoặc đọc một vài câu thơ, một đoạn văn, người ta vẫn nhớ ngay được giai điệu bài nhạc, ví dụ qua những bài thơ nổi danh được phổ nhạc.

 

Ca khúc mang tính cầu toàn đòi hỏi cho bằng được lời hát và giai điệu nhưng qua những ngón tay ngọc của nữ nhạc sĩ dương cầm Linh Phương, những ca khúc Việt bất tử qua các CD Mưa Tình – Mưa Lệ – Mưa Tuơng Tư – Mưa Dĩ Vãng – Mưa Hoàng Hôn, Về Miền Trung, Suối Mơ v.v… quả không cần phải có lời ca trợ thủ đắc lực nữa.

 

Âm nhạc vốn là một ngôn ngữ quốc tế, ngôn ngữ của trái tim dễ vỡ. Thật ra âm nhạc không cần phải có lời hát như quan niệm tiền nhân mấy ngàn năm về trước đã dẫn ở trên như đa số các bài bản âm nhạc hiện đại, mà rất cần một người diễn đạt (tức nhạc sĩ trình tấu) có thực tài và đặt trọn vẹn sự rung động của mình vào những bài bản đó.  Có thế âm nhạc mới đi vào lòng người ở khắp mọi nơi.

 

Cuối thế kỷ 20 gọi văn hoa là chiều thế kỷ, cũng như thế kỷ 21 chúng ta đang sống, nhạc độc tấu (solo) hay nhạc hòa tấu ( instruments) rất ít thực hiện.  Nhìn vào các quầy, tiệm bán hàng dĩa nhạc Âu Mỹ, ta thấy thể loại instrumental chiếm một vị trí khiêm nhường, chỉ độ 2% tổng số có khi ít hơn nữa số lượng dĩa nhạc CD.   Bởì vì nhạc không lời này độc tấu và hòa tấu như đã nói rất chọn lọc người nghe.  Không phải ai cũng biết nghe nhạc không lời, vì yếu tố thẩm âm, nghệ thuật âm nhạc là yếu tố quyết định trình độ thính giả. Giới hạn tầm nhìn về loại băng đĩa nhạc không lời do các nhạc sĩ Việt Nam thực hiện ở hải ngoại ta cũng thấy số lượng cũng ít oi, hiếm quí những cái hay, độc đáo.

 

Bên cạnh những tác phẩm sõi đá thô xám là những viên ngọc ngời chói trong thể loại nhạc độc tấu hay hoà tấu của Ðồ Ðình Phương (Guitar solo) Thanh Lâm (Saxophone Alto) Nhất Lý (Trumpet) Lê Ðức Cường (Guitar solo) Ðặng Nho (Clarinet) Phạm Mạnh Ðạt (Hạ Uy Cầm) Hoàng Thi Thao (Violin) v.v… Còn có một số nhạc sĩ khác cũng đã thực hiện các băng đĩa nhạc hoà tấu với nhiều nhạc khí kể trên nhưng phẩm chất nghệ thuật chưa đạt được tiêu chuẩn trung bình.

 

Về nhạc không lời, nhạc độc tấu, nhạc hoà tấu với nhạc khí chủ lực là Piano (nhạc khí chính) ta thấy số lượng các nhạc sĩ đã thực hiện có thể nói là như trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.  Nhạc sĩ ngoạI quốc cũng có thực hiện những tác phẩm Việt Nam như các nhạc sĩ khoa bảng Sasha Alexeev người Nga với dĩa Midnight Serenade đàn những bài Tiếng Thời Gian, Ngọc Lan, Ðêm Ðông v.v… đến cô Opel-Mocardini III đàn những bài Biển Nhớ, Nỗi Niềm, Gọi Người Yêu Dấu chơi nhạc theo phong cách Jazz thì có nhạc sĩ dương cấm John Seppais đàn những bài như Hoa Biển, Xóm Ðêm, Dạ Khúc Cho Tình Nhân…

 

Riêng nữ nhạc sĩ Linh Phương, chị có phong cách riêng, tiếng đàn của chị rất đằm thắm, nhẹ nhàng, sâu lắng và hồn nhạc quyện vào tâm tình qua ngôn ngữ âm nhạc, qua ngón đàn chị sử dụng rất tâm đắc và chính xác.  Có thể nói Linh Phương đã trang điểm làm đẹp nhạc phẩm do các nhạc sĩ Việt Nam viết, hoài bảo của chị là gìn vàng giữ ngọc những nhạc phẩm Việt Nam không để mai một theo thời gian.  Những CD chị thực hiện như  Mưa Tình – Mưa Lệ – Mưa Tuơng Tư – Mưa Dĩ Vãng – Mưa Hoàng Hôn, Về Miền Trung, Suối Mơ v.v… gồm toàn những nhạc phẩm hay, khó quên theo thời gian. Chị tự biên soạn hòa  âm và trình diễn cũng như đi khắp nơi trên thế giới đem tiếng đàn phả vào lòng người sự ấm cúng cho vơi đi nỗi niềm riêng.

 

Những CD chị Linh Phương đã thực hiện như đóng góp trong kho tàng âm nhạc Việt Nam không lời, chị Linh Phương đã  khiêm tốn nói rằng “Cuộc đời tôi sống chết với âm nhạc, tôi không mong mõi gì hết;  chỉ mong mình còn sức để tiếp tục nghệ thuật, là người quản thủ thư viện nhạc Việt, để nhạc Việt Nam luôn được trân trọng luyến nhớ mỗi khi dòng nhạc được cất lên, được thổn thức với thanh âm, gợi lại đất nước chúng ta, gợi lại kỷ niệm và sắc thái nhạc Việt đẹp đẽ, đằm thắm, dịu dàng như người Việt chúng ta…”

 

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Trung
Florida