Tản Mạn về Ca Hát và Bản Nhạc Bị Thay Lời
Linh Phương
Trên bốn mươi năm của một đời gắn bó với đàn dương cầm, tôi làm việc không mệt mỏi với âm nhạc qua các thể loại, với nụ cười và dòng lệ ngậm đắng cay. Bên ngoài thì tôi vẫn trang điểm cho mình sự tươi vui, nhưng ai biết “trong héo ngoài tươi.” Dù vậy, tôi đã không thể nào loại bỏ bộ môn nghệ thuật này ra khỏi đời mình. Tôi luôn tự học hỏi, và khích lệ các nhạc sĩ trẻ cần học hỏi những điều mới nhưng sàng lọc và bỏ đi những cặn bã, vì chúng không giúp và nói lên được điều gì hay mà trái lại còn làm xoáy mòn tâm hồn. Tôi đi xa, gặp và kết bạn với những nguời yêu âm nhạc. Họ đã từng sống chết với nghệ thuật. Tuy đời sống nghệ sĩ không giàu có về vật chất, nhưng là triệu phú của âm thanh nhạc điệu. Chúng tôi cùng chia xẻ bổ túc như là bạn tâm giao. Trong thế giới âm nhạc, chúng tôi trao đổi sự hiểu biết và cập nhật hóa để bước kịp theo sự tiến bộ vượt bực cùng với thế kỷ hai mươi mốt, và bánh xe thời gian cứ lướt nhanh không hề dừng lại.
***
Tôi tự an ủi mình rằng hãy làm một người thủ từ, một người góp nhặt giữ gìn tinh hoa của nhạc Việt Nam, nơi tôi đã được sinh ra, lớn lên và đã chứng kiến bao dòng lịch sử đổi thay của đất nước. Nền nhạc Việt cũng theo đó được các nhạc sĩ viết lên cảm xúc của mình, mắt thấy, tai nghe kinh qua dòng sinh mệnh dân tộc để rồi họ đã thể hiện và sáng tác nên các ca khúc tuyệt vời!
Thật chua xót thay! Sau năm 1975, người ta đã tự động thay đổi lời ca, thể điệu của các nhạc phẩm. Các ca sĩ trên sân khấu thì có lối trình diễn khêu gợi dục tình, thân thể họ uốn éo cho người xem lối trang phục thiếu vải gần như con nhộng. Thay vì thính giả được nghe những âm thanh của dòng nhạc Việt dịu dàng êm ái thì bản nhạc này được tấu lên như một loại âm thanh của những nhát dao chém … giết chết những “người con tinh thần” của các nhạc sĩ tác giả Việt từ bảy mươi lăm năm trước.
Các nhạc phẩm Việt thời tiền chiến thật tuyệt vời mà những tác giả đã sống và cảm nhận. Họ đã trải qua và sống trong những hoàn cảnh mà đất nước có nhiều biến động lịch sử để cảm tác những nhạc phẩm có tầm vóc đã được cả nước yêu thương. Thế mà giờ đây, đau thương thay cho nhạc Việt lắm ! Trong lúc Đất nước Việt đã và đang bị đục đẽo dần, tài nguyên bị bào mòn để cho ngoại bang mua từng vùng đất nơi các tỉnh thành, dân ngoại bang trưng lên bảng “Khu vực cấm xâm nhập!” Nay chúng ta chỉ còn lại văn hóa Việt và âm nhạc nghệ thuật của đất nước. Thế nhưng, âm nhạc nghệ thuật cũng bị thương mại hóa, bị bọn đầu cơ văn nghệ tham ô, đầy mánh khoé, mưu mô, lợi dụng trên thân xác của các con thiêu thân ham thích ánh đèn sân khấu để lao vào, rồi ôm hận khóc than tức tưởi sau bức màn đẹp đẽ mang tên “nghệ thuật.” Khi ấy thì đã muộn rồi!
Lớp người trong tuổi trung niên thì sống với hoài niệm về những năm tháng xa xưa của mình. Họ muốn nghe lại các nhạc phẩm mình yêu thích, trong đó hiện lên những thước phim ký ức làm sống lại trong tâm trí của họ những bồi hồi cảm xúc. Họ hồi tưởng quảng đời thanh xuân, nhưng nay chỉ còn là sự luyến tiếc…
***
Ngày nay, những shows trên sân khấu cũng như những shows đã được thực hiện qua các DVDs đã giết chết các nhạc phẩm hay. Những bài nhạc có âm điệu nhẹ nhàng đầy tình tự thì nay người ta đã tự chế ra loại nhạc điệu hip hop hay techno cho các màn ca nhảy kích động hầu hấp dẫn khán giả “no” con mắt qua hình ảnh của các nữ ca sĩ đưa ra ngực mới bơm, cặp đùi mông hẩy hẩy trước mặt khán giả mà quên đi sự thưởng thức. Thật quá đáng!
Trong một show nhạc trình diễn tại Houston trong dịp cuối năm 2009, một nữ ca sĩ từ California sang Houston hát bài “Ave Maria” nhưng lại ăn mặc hở vai, đưa cả tấm lưng trần trước mặt khán thính giả. Cô ấy hát như muốn khoe với khán giả rằng ta đây có học thanh nhạc và hát được nhạc có trình độ cao. Và cùng lúc ấy, trên sàn nhảy thiên hạ ôm nhau nhảy điệu Slow mà họ không biết rằng nhạc phẩm “Ave Maria” do Nhạc sư Gounod/Bach đã viết ca tụng sự thanh khiết của trinh nữ Maria, và bên trời Tây phương bài này chỉ được hát tại những nơi trang nghiêm của giáo đường. Ố là là ! Thậm chí những shows diễn để gây qũy giúp xây cất chùa, nhà thờ, thế mà các ca sĩ lại ăn mặc thiếu vải, cái váy ngắn ngủn (short skirt) họ đứng trên sân khấu dựng cao lại cứ nhún nhảy, miệng hét như lên đồng bóng; trong lúc ấy các nhà sư, linh mục hay những thân hào nhân sĩ tham dự ngồi hàng đầu thì có thể thấy hết da thịt, đồ lót bên trong. Thật là chướng mắt!
Thế hệ sau này khi các con em chúng ta lớn lên, họ sẽ nghĩ gì khi nghe và nhìn thấy loại âm nhạc nghệ thuật như thế? Nhạc Việt là thế ư ? Đâu là văn hóa nghệ thuật thuần tuý của nhạc Việt ? Hay đấy chỉ là một lối bắt chước phi văn hoá phi đạo đức của nước ngoài nhằm để thỏa mãn thị hiếu khán giả mà không suy nghĩ đến sự độc hại tiêu diệt mọi giá trị tinh thần qua các DVDs đầy màn khêu gợi dục tính.
Có những nhạc phẩm nói đến sự chia ly xa cách làm dỡ dang cho một cuộc tình v.v… Thế nhưng, khi ca sĩ trình diễn thì miệng cười toe toét. Họ lại vừa ca hát vừa nhún nhảy gợi dục làm cho lệch lạc ý nghĩa của nhạc phẩm. Thường khi trình diễn show, ca sĩ phải ca hát và thu nhạc trước, lúc đứng trên sân khấu trước khán giả, họ chỉ nhép miệng và làm các động tác để trình diễn. Vì thế, có cô muốn được khán giả chú ý bèn mở đầu cười nói: “mất anh rồi… xa anh rồi” trong khi cô ta trườn bò trên sàn diễn…
Nhạc Việt do nhạc sĩ Việt sáng tác, nhưng khi trình diễn thì ca sĩ múa, hát và ăn mặc lúc thì theo Ấn Độ, khi thì theo Ai Cập, khi thì theo Trung Hoa chẳng ra làm sao hết làm hư nhạc phẩm, và hướng dẫn khán giả nghĩ theo một chiều hướng lệch lạc… Thị trường ca hát văn nghệ như khu vườn hoang, ai muốn múa may làm sao cũng được hết. Họ muốn cho khán giả ăn những món nào thì tự tạo ra mà không có một kiến thức mang đến bổ ích gì cả. Họ chỉ biết làm sao để cho ca sĩ khoe đùi khoe ngực cho hấp dẫn là được!
Thế ở Việt Nam thì sao ? Ca sĩ nào muốn được để ý nhiều thì dùng Web cam tự quay thân hình uốn éo, hơi thở dồn dập theo từng lời hát không ăn nhập vào đâu chỉ hướng người nhìn theo từng động tác mà quên đi giọng hát của mình. Nhạc thì sáng tác chắp vá, một chút nhạc Đại Hàn, một chút nhạc Trung Hoa, rồi Thái Lan v.v… và gán cho cái tên nhạc Việt.
Bên cạnh đó có những quyển sách nhạc được ấn loát bên Việt Nam và đem bán ở hải ngoại. Họ đã ngang nhiên thay đổi lời viết của các tác giả.
Ví dụ như nhạc phẩm “Hội Trùng Dương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đây là một nhạc phẩm gồm có 3 chương trình bày về ba miền đất nước. Tác giả này khi vào miền Nam đã nhìn thấy sự trù phú, thanh bình, tự do… Thế mà ngày nay, bên Việt Nam họ đã thay đổi lời hát pha mùi chính trị theo lối tuyên truyền của cộng sản, và ca sĩ của họ thu CD, thu DVD đem bán nơi hải ngoại với lời nhạc đổi thay đã làm tổn thương tác giả. Có những người hát đã không xem lời kỷ càng cứ thế mà hát. Trong chương 3 có đoạn hợp ca, có đoạn đơn ca mà người nghe bắt phải rùng mình, bởi vì trong đó họ tuyên truyền nào chuyện đánh Pháp diệt Mỹ quyết không lui bước. Không rõ nơi cõi vĩnh hằng nhạc sĩ Phạm đình Chương có tức “ói máu” không ? Chắc bọn chúng nó ghét ông nên đã thực hiện những CDs và DVDs đầy độc tố tiêm vào dân chúng, và những người hát là những con két, hay những cái loa theo mệnh lệnh của chúng mà không còn lương tâm.
Thêm vào đó trên những Website không biết từ đâu ? Có thể bên kia có lệnh của Nghị quyết 36 rằng phải theo chiến thuật dầu loang dần dần để những người hát trong chương trình “Ta hát ta nghe” mỗi cuối tuần ở các thành phố lớn nhỏ của khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và thế giới. Họ cứ download nhạc phẩm từ Internet những bài nhạc đã thay đổi lời. Họ hát mà không cần xem kỹ, miễn có bài hát, và tên tác giả của bài nhạc này thì đem cắm vào bài kia. Họ đã thay đổi lời nhạc một cách thiếu ý thức. Bực mình nhất là khi luyện cho người học hát, họ in bài nhạc từ trong Website mà lời nhạc khác với bản nguyên thủy khiến tai nghe ngớ ra rồi phải mất công đính chính hoặc sửa lại.
Rồi ngôn ngữ chuyên môn của âm nhạc nữa. Khi thực hành ca hát hay hòa nhạc, đến đoạn ban nhạc đàn dẫn trở lại cho người hát thì chúng ta thường nói là “dạo nhạc” rất dễ hiểu; ngữ vựng âm nhạc quốc tế ghi là “instrument” gọn gàng, thế sao bây giờ họ lại nói là “giang tấu?” Thật quái đản! Nhiều người đi ca hát ở hải ngoại nghe người ta nói như vậy mà không biết từ đâu, tưởng là “cool,” miệng truyền miệng bắt chước ngôn từ này theo kiểu Việt cộng cưỡng chiếm và áp dụng một cách ngô nghê…
Tôi lại nghe và thấy trên DVD điều này càng thêm khó chịu. Ví như ca sĩ khi trình diễn, có lúc dòng nhạc bay bổng cho ca sĩ xuất thần lột tả được sắc thái bản nhạc, thay vì nói“tôi rất cảm hứng với bài ca này!” thì họ lại nói: ‘Tôi “máu” khi hát bài này,’ rồi ca sĩ hỏi khán giả ngồi dưới ghế: “Bà con nghe có ‘máu’ không ?” Rồi từ đó chữ “máu” này mặc nhiên được người ta nói và “xài” thoải mái, đâu đâu cũng nghe, không cần biết rằng người nghe cảm thấy lợm giọng và cười cho sự vô ý thức. Vài tạp chí viết về các nghệ sĩ lại chẳng biết đục bỏ những ngôn từ quái dị như thế mà cứ để nguyên “con” cho in ra.
Nghệ sĩ là mang tiếng hát lời ca đến niềm vui cho công chúng lại còn phải bày tỏ ra hình ảnh tốt qua nhân cách, lời ăn tiếng nói, sự ăn mặc… Vì âm nhạc nghệ thuật là cung hiến món ăn tinh thần để công chúng thưởng ngoạn. Khi ca sĩ trình diễn, những người ái mộ tiếng ca của mình, họ sẽ bắt chước lời nói của mình. Một lời mình nói ra trên sân khấu sẽ mang đến sự hữu ích hay độc hại thế nào…
Chắc hẵn có người sẽ cười và nói tôi sao hay lo con bò trắng răng, hãy mặc kệ chúng đi! Như đã nói tôi yêu âm nhạc Việt, tôi yêu những nét đẹp, khuôn vàng thước ngọc của nghệ thuật chân chính mà hiện tại bây giờ, những người đang làm cái công việc gọi là“văn hóa nghệ thuật” đã múa gậy vườn hoang. Họ đã không thiết tha gì đến thế hệ sau sẽ nghĩ gì, và nhận định nhạc Việt như thế nào?
Chữ “đức” bằng ba chữ “tài” mà người làm văn hóa nghệ thuật đã quên đi mất thì thật là đáng tiếc!
Về một nhạc phẩm bị đổi lời, và tạo thêm lời hai làm tôi xót xa cho tác giả. Thật sự, tôi đã phẫn nộ vì lời nhạc thêm đó đã giết chết hình ảnh tình tứ lãng mạn của một nhạc phẩm giá trị. Đan cử với nhạc phẩm: “Gửi Người Em Gái” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Tôi thật sự quen biết một nhân vật mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác bài ca “Gửi Người Em Gái” này!
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã thương mến cô Ngọc Lan là một thiếu nữ tại Hà Nội. Lúc thiếu thời, cô đã theo học tại trường Notre Dame des Missions tại Thanh Hóa. Năm 1949, thân phụ cô đã mang gia quyến ra Hà Nội. Năm 1954, cả gia đình vào miền Nam lúc đất nước chia đôi. Năm 1962, cô nhận được học bổng du học tại Đại Học Virginia Hoa Kỳ. Năm 1965, cô tốt nghiệp M.A. phân khoa International Relation cũng tại trường nói trên. Năm 1969, cô là Tham vụ Ngoại giao tại Bonn. Năm 1974, cô là Đệ Tam Cố Vấn tại văn phòng đại diện Việt Nam Cộng Hòa cạnh Liên Hiệp Quốc. Năm 1975, khi vừa đến dự Hội nghị Quốc tế tại Genève thì Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Từ 1975 đến 1977, cô học Sciences tại Pratt Institute và tốt nghiệp M.S. là một thủ thư tại Thư viện quốc gia Brooklyn, New York. Đến năm 1989, cô kết hôn với Bửu Sao, cựu cố vấn ngoại giao và về nghỉ hưu tại Florida. Tại đây, cô Ngọc Lan tham gia nhiều công tác trong sinh hoạt Cộng Đồng cho đến ngày lâm bệnh ung thư máu và Ngọc Lan đã qua đời năm 2007, hưởng thọ 74 tuổi. Cô Ngọc Lan là một phụ nữ duyên dáng, quí phái, và trí thức. Tuy cô đã qua đời, nhưng trong trí tôi hình ảnh và nhân cách của một cô gái Hà Nội không bao giờ phai mờ, nhất là khi tôi đàn piano lúc cô tập dượt hát nhạc phẩm nói trên.
Tôi còn giữ nhạc phẩm nguyên thủy “Gửi Người Em Gái” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Lời một và lời hai đã thể hiện tâm tình mến yêu của tác giả Đoàn Chuẩn khi nhìn Ngọc Lan với dáng đi tha thướt nhẹ nhàng gót sen cùng đôi mắt thơ ngây, khăn san trên bờ vai nhỏ khi thời tiết của Hà-nội bổng trở lạnh trong một sáng.
Thế nhưng, khi tôi nghe các ca sĩ bên Việt nam như Ánh Tuyết – Lê Dung cùng vài nam ca sĩ khác hát trên “Internet” cũng như CD đã làm tôi bực dọc, vì lời nhạc hai của Đoàn Chuẩn đã bị xóa bỏ và giết chết thẳng tay không thương tiếc!
Đây là nguyên thủy lời 1 của Đoàn Chuẩn – Từ Linh:
“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng.
Lượm đào phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng.
Hà Nội chờ đón Tết vắng bóng người đi liễu rủ mà chi.
Đêm tân xuân Hồ Gươm sao long lanh.
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa.
Đường phố vắng bóng đèn.
Chạnh lòng tôi nhớ tới người em.
Tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương,
Mắt nồng rộn ý yêu thương.
Đôi mắt em nói nhiều tha thiết như dáng Kiều.
Ôi tình yêu ! Nhưng một sớm mùa Thu,
Giữa chân trời xanh ngát, nàng đi gót hài xanh
Nàng đi cho dạ sao đành.
Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa..
Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng.
Thuyền tình vô lỡ bến cô đơn không ai ngờ.
Tình nghèo xa cách mãi em tôi đành ôm mối sầu mà đi.
Em tôi đi mầu son lên đôi môi.
Khăn san bay lả lơi trên vai ai.
Nhìn xác pháo bên thềm gợi lòng tôi nhớ tới người em.”
Và lời nhạc nguyên thủy đã bị đổi như sau:
“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng.
Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng.
Hà nội chờ đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi.
Đêm tân xuân Hồ Gươm như say mê.
Chuông reo ngân Ngọc Sơn sao uy nghi.
Ngàn phía đến lễ Đền, chạnh lòng tôi nhớ đến người em.
Tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương.
Mắt nồng rộn ý yêu thương đôi mắt em nói nhiều.
Tha thiết như giáng Kiều, ôi tình yêu.
Nhưng một sớm mùa Thu khép giữa trời tím ngắt.
Nàng đi gót hài xanh, người đi trong dạ sao đành.
Đường xưa lối cũ ân tình nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy sống xa anh nơi kim tiền.
Ngục trần gian hãm tấm thân xinh đôi mắt hiền.
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi cúi đầu mà đi.
Xuân năm nay đường đêm Ca-ti-na.
Hoa mai rơi rủ nơi phương xa dần trắng xoá mặt đường,
Một người em gái nhớ người thương.”
Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh khôn ai ngừng.
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng.
Nụ cười trong gió sớm anh đến chờ em giữa cầu Hiền Lương
Em tôi đi mầu son lên đôi môi
Khăn san bay lả lơi trên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.
Em ! Tháp rùa yêu dấu, còn đó trơ trơ
Lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều, song ý thơ rất nhiều cả tình yêu.
Em nhẹ bước mà đi, giữa khuya trời bát ngát.
Tình ta hết dỡ dang.
Đường xưa lối ngập lá vàng.
Đường nay thong thả bao nàng đón Xuân.
Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn.
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng.
Dịu lòng đàn dẫn phím ý thơ trào dâng viết gửi về em!
Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian.
Em tôi mơ miền xưa hoa hương lan.
Đường phố lóa ánh đèn.
Một người anh thương nhớ chờ em.”
(Lại có quyển sách nhạc khác đã viết: “Một người trên đất Bắc chờ em” thay vì là “một người anh thương nhớ chờ em”)
Biết hỏi ai đây ? Vì nay bác Đoàn Chuẩn đã mất rồi!
Năm 2002, nhân dịp nhạc sĩ Nguyễn Túc về Việt Nam thăm lại Hà Nội. Ông có gặp lại nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và ông đã mang CD “Mưa Lệ” của Nhạc sĩ Linh Phương tặng bác. Bác Đoàn Chuẩn đã khóc. Vì trong CD có nhạc phẩm “Thu quyến rũ,” “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” mà nhạc sĩ Linh Phương đã soạn hòa âm và độc tấu Piano. Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Túc: “Bác Đoàn Chuẩn nhắn lại rằng bác cảm ơn nhạc sĩ và chưa có ai đã đàn độc tấu các nhạc phẩm của bác.” Và từ đó, Nhạc sĩ Linh Phương có dịp liên lạc với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn khi thì nói chuyện phone tại nhà bác Túc, khi thì viết thơ thăm hỏi Bác, nhưng lúc này muốn hỏi Bác về chuyện lời ca đã bị thay đổi thì không thể nào được nữa!
Tôi muốn hỏi có phải bác viết đổi lại những lời trên không ? Hay bác phải viết theo lệnh của ai ? Hay bọn Cộng Sản có ý đồ muốn miệt thị phụ nữ vào miền Nam sống trong khổ đau thế đó theo như lời nhạc trên để tuyên truyền thì quả thật đó là hành động đáng khinh!
Nếu bác Đoàn Chuẩn đã viết đổi lại lời nhạc vì lý do gì đó theo ý riêng của bác thì kẻ hậu sinh này thất vọng lắm! Vì bản nhạc đã bị bôi bẩn lem nhem hình ảnh tuyệt vời của mấy mươi năm về trước mỗi khi ca sĩ miền Nam hát lên bản nhạc “Gửi Người Em Gái” này, cũng như đau xót cho người bạn gái của Linh Phương nay đã khuất.
Tôi viết bài này để trả lại sự công bằng hình ảnh của chị Ngọc Lan nói riêng, cũng như hình ảnh của đất miền Nam đã nuôi dưỡng, nung đúc bao nhiêu người nữ tài ba, hữu dụng cho Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
Nhân đây tôi cũng muốn nhắn với các nhạc sĩ sáng tác. Các quí vị hãy viết nhạc ca ngợi Sài-Gòn, vì đất Sài-Gòn đã nuôi ta lớn lên cũng như đã cho ta trí tuệ cùng cơ hội học hỏi những điều mới, cái hay đẹp, cho ta tình yêu, cho ta cơm gạo trắng nước trong, cho ta đỏ da thắm thịt và hơn nữa Sài-Gòn đã cho ta không khí trời rộng mở đời tự do thênh thang… Thế sao ta lại không hoài vọng viết lên những bài hát để cảm tạ đất Sài-Gòn một thời đẹp tươi, “Hòn ngọc Viễn đông” đã nuôi dưỡng ta từ tinh thần đến thể xác để ghi nhớ.
Mong lắm thay !