Nữ Nhạc Sĩ Dương Cầm Lê Linh Phương: “Con Én Mơ Ước Một Mùa Xuân”…

Nữ nhạc sĩ dương cầm Lê Linh Phương: “Con Én Mơ Uớc Một Mùa Xuân”…

(VienDongDaily.Com – 13/01/2009)

 

 

Phước Hải

 

Nhạc sĩ Linh Phương họ Lê, tốt nghiệp chuyên khoa dương cầm tại trường Quốc Gia Âm nhạc Sài Gòn khóa 1 năm 1967, tốt nghiệp Sư Phạm Chuyên Khoa Dương Cầm Và Nhạc Lý Nhạc Pháp Thực Hành tại Deland, Florida, 1988, cựu giảng viên âm nhạc tại các trường âm nhạc Bach, Cecilia, Mê Linh trước 1975 và là giảng viên Dương-cầm, Nhạc lý Nhạc pháp tại các trường Trung Học Evans, Apopka và Lake Mary tại Florida.

 

Bà còn phụ trách phần nhạc và đệm dương cầm cho Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật đài Sài-gòn, cùng nhiều chương trình văn nghệ khác của các Đài Phát Thanh Sài-gòn và Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ duy nhất được chọn trình tấu tại thính đường tòa Lãnh Sự Pháp (1976-1979).  Viết hòa âm và điều khiển các chương trình ban nhạc nữ: The Modern Girls, Pussy Cat.  Nhạc trưởng Trung tâm Thanh Niên Đắc Lộ, ban nhạc Micae, Goretiv… ở các thánh đường Sài-gòn và lân cận. Bà đoạt giải Giáo Sư Âm Nhạc Xuất Sắc Trung Học Florida (1992-1994-1995) – Huy Chương Danh Dự Xuất Sắc Dành Cho Một Trong Số 2000 Nhạc Sĩ Của Thế Kỷ XX do International Biographical Center Cambridge, London, England, tặng ngày 7.9.01 tại Luân Đôn, Anh Quốc.

 

Số CD nhạc mà bà đã tung ra thị trường khá nhiều, khoảng 30 album, mang các tựa đề: Mưa Tình, Mưa Lệ, Gió Cuốn Tình Xưa, Mưa Tương Tư, Mưa Dĩ Vãng, Nhạc Hữu Duyên Tơ, Mưa Giao Mùa, Mưa Hoàng Hôn, Khúc Ly Hương, Lệ Tình Trong Mơ, Thoáng Mơ Trên Phím Ngà, Best Asian Song Collections, Nhớ Về Miền Trung, Trao Anh Mùa Xuân, Dáng Xuân Xưa, Tình Trong Dĩ Vãng (Tự Truyện), Nhớ Về Cố Hương, Ngày Ấy Bên Nhau, Vá Đời Đau Thương, Suối Mơ, Cung Đàn Thương Nhớ, Cung Đàn Muôn Điệu I – II – III – IV…

 

Người đời viết về bà như sau: “…Chị có phong cách riêng, tiếng đàn của chị rất đằm thắm, nhẹ nhàng, sâu lắng và hồn nhạc quyện vào tâm tình qua ngôn ngữ âm nhạc, qua ngón đàn chị xử dụng rất tâm đắc và chính xác.  Có thể nói Linh Phương đã trang điểm làm đẹp nhạc phẩm do các nhạc sĩ Việt Nam viết, hoài bảo của chị là gìn vàng giữ ngọc những nhạc phẩm Việt Nam không để mai một theo thời gian. Những CD chị thực hiện như Mưa Tình – Mưa Lệ – Mưa Tuơng Tư – Mưa Dĩ Vãng – Mưa Hoàng Hôn, Về Miền Trung, Suối Mơ v.v… gồm toàn những nhạc phẩm hay, khó quên theo thời gian. Chị tự biên soạn hòa âm và trình diễn cũng như đi khắp nơi trên thế giới đem tiếng đàn phả vào lòng người sự ấm cúng cho vơi đi nỗi niềm riêng”.

 

Bà còn nói rằng, “Cuộc đời tôi sống chết với âm nhạc, tôi không mong mỏi gì hết;  chỉ mong mình còn sức để tiếp tục nghệ thuật, là người quản thủ thư viện nhạc Việt, để nhạc Việt Nam luôn được trân trọng luyến nhớ mỗi khi dòng nhạc được cất lên, được thổn thức với thanh âm, gợi lại đất nước chúng ta, gợi lại kỷ niệm và sắc thái nhạc Việt đẹp đẽ, đằm thắm, dịu dàng như người Việt chúng ta…”

 

Nhân dịp đến Nam California tham dự một chương trình trình diễn lúc 7 giờ tối thứ Bảy, 10 Tháng Giêng, 2009, tại Nhà thờ Tin Lành North Hollywood, 9936 Beachy Ave., Arleta, CA 91331, bà đã dành cho Viễn Đông buổi phỏng vấn như sau.

 

Viễn Đông: Bà đã học violon từ lúc 5 – 6 tuổi, sau đó chuyển sang học piano, đã sống với nghệ thuật âm nhạc suốt gần 60 năm qua, đó là một quãng đường dài nhưng đầy thú vị chứ, thưa bà?

Lê Linh Phương: Học cực khổ, khó lắm. Hồi đó Ba của tôi bắt phải học cấp tốc để thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc, thi 40 người chỉ lấy vài người. Tôi đậu hạng 3 và từ đó học theo lên luôn. Tôi cũng bị đòn dữ lắm mới chịu học, stress lắm. Có lúc tức ba bắt học nhiều quá, tôi mua viên pháo ném vào cây đàn cho nổ tung để khỏi phải học. Thế nhưng, trong những năm tháng trưởng thành, âm nhạc là cứu cánh, giúp tôi nương theo bao nỗi khó khăn, tủi nhục theo vận nước mà đứng dậy và bước lên. Mỗi khi đàn, nghe tiếng nhạc thấy vui, âm nhạc và tôi cùng gắn bó như không thể chia cắt được.

 

Viễn Đông: Có nghĩa là cũng có thời gian phải trải qua tủi nhục của cuộc đời?

Lê Linh Phương: Cũng có những trái ngang, bất trắc, không theo ý muốn. Tôi nghĩ Chúa đặt ra thử thách để bắt tôi phải vượt qua. Tôi là trưởng ban nhạc Nhà Thờ Đắc Lộ, khi các linh mục bị bắt thì tôi cũng bị bắt giam ở Chí Hòa. Khổ sở lắm. Tình cảm riêng cũng không suông sẻ thúc đẩy tôi tìm về Chúa nhiều hơn. Hồi nhỏ chỉ biết theo đạo là theo, chưa thấy được nền tảng. Sau này tôi hiểu ra, nếu trong hoàn cảnh nghiệt ngã mà không có sự nâng đỡ, an ủi của Chúa thì đã không đứng vững được. Có những lúc lái xe đường trường xuyên bang một mình, chỉ có Chúa là Đấng toàn năng giúp đỡ mình vượt qua biết bao gian nan, vất vả.

 

Viễn Đông: Việc sáng tác có dễ dàng với bà không, và cảm hứng sáng tác thường đến với bà trong những tình huống nào?

Lê Linh Phương: Nhiều khi đang lái xe bỗng cảm hứng dâng lên, tôi chạy chậm lại, viết cái sườn của bài nhạc lên cái tay áo màu trắng. Mới đây, khi nghe một mục sư nói “Hãy làm muối mặn ướp cho đời”, Ối dào!  Lúc đó, tôi muốn viết xuống liền một bản nhạc… Có những bản nhạc đã 10 năm bỗng dưng ngồi xuống đánh một mạch không vấp, như là nó đã ở trong đầu…

 

Viễn Đông: Bà nghĩ sao về đời nghệ sĩ, nghệ sĩ có thể làm giàu không?

Lê Linh Phương: Người nghệ sĩ dễ lâm vào tình cảnh cô đơn khủng khiếp sau bức màn nhung… Có những đêm sau màn diễn, tôi thấy cô đơn vô cùng, ước một đôi vai tựa vào để than thở, để kể khổ, để nói về những nỗi bất trắc. Không riêng gì mình, mà cả những nghệ sĩ lớn khác cũng thế. Có lần tôi tổ chức một cuộc trình diễn ở Florida cho nhạc sĩ kiêm ca sĩ N.T. trình diễn. Anh rất yếu, bị tiểu đường nặng, cứ 2 tiếng phải chích một mũi thuốc. Khán giả yêu cầu anh hát liền 6 bản liên tục, mặc dù theo chương trình chỉ hát 2 bản thôi. Sau buổi trình diễn với những tràng pháo tay, anh đã “hứng” những lời phê bình của một bà khán giả tại một nhà hàng. Bà này la to lên với Nh.Tr. : “Ê, có phải Nh. Tr. Không? Hồi xưa đẹp trai, đi hát, giờ già rồi đi hát làm gì nữa, về nuôi cháu đi”. Tôi thấy anh sau đó trở nên trầm lặng, đau đớn và thức suốt đêm. Tôi nhìn thấy sự đau đớn của đời nghệ sĩ. Khán giả không hiểu được cái “đàng sau” ê chề của đời nghệ sĩ. Có lúc tôi muốn đem những nghệ sĩ đang sống bê tha hút sách, nghiện ngập trở lại với đời sống thánh thiện… nhưng con én không làm nổi mùa xuân.

Còn làm giàu thì khó lắm. Nghệ sĩ sống đạo đức, không tính toán vật chất thường rất nghèo. Tôi tự nhủ chỉ nên dấn thân, dạy học, giúp ích cộng đồng. Có người muốn tôi qua California nhưng tôi thật sự không dám.

 

Viễn Đông: Bà nghĩ gì về “fan” ủng hộ ủng hộ mình?

Lê Linh Phương: Có những “fan” thầm lặng tuyệt vời. Có chị ở Arizona, Vancouver… viết thư cho tôi liền sau cuộn băng cassette phát hành đầu tiên vào năm 1990 mang tựa đề Mưa Tình. Sau đó, có những thính giả yêu cầu tôi đàn loại nhạc “mùi” (loại nhạc bolero), và tôi đã chìu ý. Hoặc có những thính giả bảo tôi đàn nhạc Huế, hay nhạc dân ca… tôi cũng làm theo. Còn nhiều yêu cầu khác nhưng tôi cần có thời gian.

 

Viễn Đông: Còn cuộc sống riêng thì sao, thưa bà?

Lê Linh Phương: Tôi có 4 con đã lớn. Ông xã tôi mất lâu rồi. Tôi chọn cuộc sống “lãng tử” để khuây khỏa nỗi đau vì từng bị phản bội trong tình trường. Có điều oái oăm là trong biết bao lễ cưới của người khác, tôi đàn giúp vui, tạo nên không khí rất trang trọng. Nhưng đám cưới của tôi thì chỉ có một bản nhạc nhỏ được cất lên từ một chiếc… cassette.

 

Viễn Đông: Bà có kén quá không, và vì sao phải chọn cuộc sống “lãng tử”?

Lê Linh Phương: Tôi cũng có một – hai mối tình dang dở, không tới đâu. Nguyên nhân gãy đổ có lẽ vì cuộc sống của tôi quá độc lập, và khó tìm được một người thông cảm cho hoàn cảnh của người nghệ sĩ. Tôi thích người yêu mình thông cảm, đồng cảm và tôn trọng sự độc lập của mình, biết khi nào… xuất hiện và khi nào… biến mất trước mình.

 

Viễn Đông: Nếu được trở lại thời thơ ấu, liệu bà có tiếp tục theo con đường âm nhạc?

Lê Linh Phương: Nếu hồi xưa ba không bắt học nhạc thì tôi sẽ đi theo ngành xã hội học. Và có thể cũng là âm nhạc nhưng là con đường khác. Đôi khi tôi thấy mình đã “cho đi” quá nhiều, nhìn lại không có gì cho riêng mình, nên… buồn.

 

Viễn Đông: Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày hiện nay, không tính 8 tiếng đồng hồ để ngủ, bà dành bao nhiêu thời gian cho âm nhạc, thưa bà?

Lê Linh Phương:Ngủ 3 tiếng thôi. Thức dậy thì nghĩ tới nhạc. Trong lúc ngủ cũng nghĩ tới nhạc. Đầu năm khai bút, mở cuốn Thánh Kinh ra xem một đoạn, ngồi nhẩm xem, đầu năm viết một bản nhạc nào dâng Chúa.

 

Viễn Đông: Bà có những mơ ước nào trong tương lai?

Lê Linh Phương: Tôi muốn đi những nước nghèo để đem Tin Mừng tới với người dân. Tôi cũng thích nấu ăn, làm một món ngon để đãi đằng bạn bè. Xưa tôi từng cầm đàn nhảy lên trực thăng giúp vui các chiến sĩ Cộng Hòa… nói tóm lại là thích làm việc xã hội. Nhưng nay đã tới lúc bớt việc ở ngoài nhiều để nghĩ về mơ ước của mình nhiều hơn. Ngày trước ba của tôi từng vô tiệm cầm đồ mua 80 – 90 cây đàn violin, tuyển học trò rồi đào luyện để các em trở thành nhạc sĩ làm sáng danh Chúa… như người làm vườn ươm giống, gieo trồng cho cây được lớn lên… Nay tôi cũng muốn như thế, nhưng trước hết phải có tiền để không phải lo toan cho cuộc sống. Hồi xưa có lần tôi muốn đào luyện một ban nhạc 5 em nữ nhạc sĩ chỉ với keyboard, nhưng không thành vì thiếu sự trợ giúp của các bậc cha mẹ.

Viễn Đông: Cám ơn bà đã giúp chúng tôi thực hiện bài phỏng vấn và kính chúc bà đạt được điều ước nguyện.

 

Vien Dong Daily News