Những Mẩu Chuyện Nhỏ với Nhạc Sĩ Nhật Ngân
Linh Phương
Tin anh Nhật Ngân từ giã cõi đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2012 trước Tết Nguyên Đán đã làm tôi xúc động và tiếc, vì đã lâu bận rộn việc dạy nhạc tôi không có gọi thăm anh. Mối sơ giao của tình bằng hữu trong âm nhạc giữa tôi với anh Nhật ngân ấy là lúc năm 1977, tôi thường đàn dương cầm trong quán nhạc Ngã ba Ông Tạ tại một ngõ hẻm xuyên qua tu viện Mân Côi…
Quán nhạc này trước đây là một biệt thự có đàn dương cầm. Sau năm 1975, họ đã dùng sân trước biến cải thành quán cà-phê có tên gì đó, trải qua cuộc biển dâu và sống nhiều năm tại hải ngoại, nay tôi đã không còn nhớ quán cà-phê này có tên gì… Chủ nhân quán nhạc này mua chuộc được cán bộ khu vực, ông chủ quán cho nhạc sĩ đến đàn mỗi đêm. Đây cũng là nơi thu hút nhiều khách đến để nghe nhạc mà nhớ lại thời xa xưa, để ngậm ngùi tiếc nuối, hay bàn chuyện ra đi vượt biển v.v…
Ngoài quán cà-phê mà tôi vừa kể trên, cũng vào thời gian ấy có một số quán nhạc “chui” như khu vực Đa-Kao, qua cầu Bông thì có một quán nhạc gần sát bờ sông do Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đàn; khu vực đường Trần quang Khải xéo bên rạp ciné Văn Hoa thì có quán nhạc của Nhạc sĩ Từ Công Phụng và bà vợ Từ Dung điều hành; và bên đường Ngô Thời Nhiệm có một biệt thự chắc là của một chủ nhân nào đó đã di tản, sân trước nay biến thành quán cà-phê do Nhạc sĩ Duy Khánh phụ trách. Tôi có cô em gái học tại Viện Quốc gia Âm nhạc Saigon đường Nguyễn Du, cô ấy học về bộ môn vĩ cầm cũng có đến đàn tại đây. Vài năm sau đó thì có quán nhạc nhỏ do Vương Hương cùng chồng thường hòa tấu dương cầm và vĩ cầm những bản nhạc cổ điển…
Đại khái tại các quán nhạc này đã xảy ra nhiều chuyện tình lâm ly bi đát… Những chuyện thời sự ai ra đi, ai bị bắt, ai bị chìm tàu chết thân xác nuôi cá trên biển Đông thật bi đát. Tôi cũng đượcnghe những câu chuyện của bạn bè, và chính mình kẹt giữa hai người bạn thân, không biết bênh vực bên nào bỏ bên nào về những chuyện rắc rối của họ; và phần này tôi sẽ viết ở một chương khác kẻo đi lạc đề.
Thời gian tôi đàn ở quán nhạc này thường có nhạc sĩ Lê Hoàng Long đến hòa tấu nhạc, và trong số những vị thường đến quán có Nhạc sư bác Lê Thương, Ca trưởng Viết Chung, Nhạc sĩ Trúc Phương, Ca sĩ Duy Khánh, Nhạc sĩ Đỗ Lễ, Nhạc trưởng Không quân Vũ Văn Tuynh, Nhạc trưởng Thiên Quang, tay vĩ cầm xuất sắc Hoàng Yến, Nhạc sĩ Thăng Long tác giả bản nhạc “Quen Nhau Trên Đường Về” họ đã thường lui tới quán nhạc này luôn.
Một chiều kia, Nhạc sĩ Lê hoàng Long đi đến quán, bên cạnh anh có một người bạn. Dựng xe đạp xong, anh vào quán nói: “Giới thiệu với Linh Phương đây là Nhạc sĩ Nhật Ngân.” Chúng tôi chào nhau xong, anh ngồi im lặng ít nói và lắng nghe tôi đàn cùng hòa tấu với Lê Hoàng Long nhạc phẩm “Thiên Thai” của Văn Cao.
Anh lịch sự vỗ tay cười khen ngợi một cách vừa phải. Sau đó, anh Nhật Ngân khảy guitar vài bản nhạc và hòa tấu với tôi bản nhạc ngoại quốc “Dòng Sông Quê Cũ.” Tiếng đàn của anh Nhật Ngân rất đằm thắm cũng như con người của anh có phong thái lịch sự, anh không “nổ” hay khoe khoang “ta đây “ như một vài nhạc sĩ khác… Sau nhiều lần trò chuyện với anh đã cho tôi có một nhận xét về tư cách của anh: Ai đứng trước thì tôi đứng sau, ai muốn hạng nhất thì tôi đứng nhì. Luôn luôn anh khiêm nhu, nhưng chững chạc và trầm tĩnh.
Tôi quí trọng anh Nhật Ngân. Khi ra hải ngoại, thỉnh thoảng tôi có gọi hỏi thăm và chào anh. Thường thường thì mỗi năm vào Mùng 4 Tết Âm lịch tôi gọi chúc Tết anh và hỏi chuyện sinh hoạt văn nghệ bên Cali.
Từ năm 2005 tại thành phố Houston, Texas, khi tôi cộng tác với đài Radio 900 AM qua chương trình “Tiếng Hát Trên Làn Sóng” để thực hiện các chương trình âm nhạc có chủ đề giúp anh Văn Đình và Mai Hoa. Đến năm 2009, để tạo một sắc thái mới trong chương trình ca hát, tôi đã sáng tạo một chủ đề mới “Tác giả và Tác phẩm” để đồng hương người Việt tại Houston nghe nhạc và cũng biết được những nhạc phẩm hay hay của các nhạc sĩ đã vắt tim óc sáng tác những ca khúc cho đời thì họ rất đáng phải được vinh danh. Bởi vì thường thường khán giả chỉ nhớ tên ca sĩ hát mà không mấy ai biết nhạc sĩ nào đã sáng tác bài nhạc cho mình nghe, thật chẳng có gì là công bằng cả ! Nghệ sĩ có nợ với công chúng bằng nghề nghiệp của mình đem mật ngọt đến cho đời và đời cũng phải biết ơn họ như là chất xúc tác để nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo thế giới âm thanh cung ứng bằng món ăn tinh thần.
Trong chương trình “Tác giả và Tác phẩm” kể trên, tôi thực hiện chủ đề này mỗi tháng một lần. Tôi đã tìm những nhạc phẩm do nhạc sĩ sáng tác, tôi tìm bài hát thích hợp với giọng ca của người nào, rồi tập dượt cho người sẽ ca trong chương trình “Tiếng Hát Trên Làn Sóng” được phát thanh vào chiều thứ Bảy. Tôi đệm đàn key board cho người hát trực tiếp không lip-sync, không thu âm trước. Trong một chương trình tôi đã giới thiệu “Nhạc sĩ Nhật Ngân với Tác phẩm,” từ Houston,Texas, Văn Đình gọi phone qua Cali phỏng vấn anh Nhật Ngân và phát thanh trực tiếp trên làn sóng Radio 900AM. Anh Nhật Ngân cho biết về những bản nhạc anh đã sáng tác vào thời gian nào v.v… Từ Cali. Anh Nhật Ngân đã lắng nghe người hát bên Houston, dù cho âm thanh qua đường phone viễn liên không rõ ràng cho lắm. Tuy nhiên, anh Nhật Ngân đã khen và cảm ơn một cách thân tình không khách sáo.
Thế rồi, tin anh Nhật ngân mất trước ngày Mùng 4 Tết năm nay, tôi chưa kịp gọi chúc anh mọi năm như thường lệ. Tôi không còn nghe tiếng cười của anh qua điện đàm và những lời nói chân phương thân tình kể chuyện nhau nghe.
Giờ đây, thêm một người bạn nhạc đã ra đi, mối cảm xúc cô đơn càng thêm hơn. Đã có những nhạc sĩ tôi thương yêu, quí trọng nay họ đã ra đi không lời từ giã khiến tim tôi đau nhức. Nỗi cô đơn ùa đến như những giọt lệ thủy tinh long lanh rớt trên phím đàn. Những hình ảnh của các nhạc sĩ, họ vừa là bạn, vừa là thầy, vừa là người anh, thảy thảy đều mang một dấu ấn sâu đậm đến trong tâm hồn lúc đôi bàn tay tôi lướt trên phím dương cầm như lời nói thì thầm giã biệt. Một vị thầy có tâm hồn bác ái như cô Phạm Thị Lạc Nhân tại trường Quốc gia Âm Nhạc, một Hoàng Trọng ân cần, một Văn Phụng vui tươi không “kẻ cả,” một Viết Chung khoáng đạt, một Nguyễn Túc tuyệt vời nhân bản, một Nhật Bằng nhẹ nhàng thân thiết, một Nhật Trường nhẫn nhịn thiết tha, một Hiếu Anh thật giỏi về hòa âm sống âm thầm…
Và giờ đây là một Nhật Ngân khiêm tốn cũng vừa từ giã trần thế nhưng dòng nhạc của anh người đời vẫn nhớ, vẫn hát say mê. Vì nhạc của anh dễ đi vào lòng đại chúng, dễ hát, dễ nhớ giai điệu. Thế hệ sau này cũng sẽ tiếp nối hát nhạc của anh. Khi mùa Xuân trở về những ca khúc quen thuộc vang vọng thanh âm của anh vẫn sẽ trổi lên, anh Nhật Ngân ạ!
Linh Phương
Houston, Xuân Nhâm Thìn 2012