Những Điều Cần Biết về Đàn Dương Cầm
Linh Phương & Nguyễn Túc
Ðã đến lúc bạn cần sắm một đàn dương cầm cho chính mình hoặc cho con em để tập đàn hàng ngày. Hơn nữa, đàn dương cầm còn là một trang trí đặc biệt đặt ở phòng khách lịch sự trong căn nhà mới. Thật vậy, không nói đến việc mua đàn cũ, đàn piano mới khá đắt tiền tùy theo loại: Từ 3000 Mỹ kim cho tới đàn nổi tiếng như Steinway giá sáu, bảy mươi ngàn hoặc đến cả trăm ngàn Mỹ kim, tuỳ theo cở lớn nhỏ Baby Grand đến Grand Piano hoặc loại thật dài để trình tấu hay hòa tấu với dàn nhạc lớn. Loại đàn Steinway nầy càng lâu năm càng đắc tiền, vì do thời gian nuôi dưỡng và kỹ thuật tạo nên. Sau đây, người viết sơ lược cái trình tự làm đàn dương cầm để chúng ta hiểu cách tạo một đàn vô cùng công phu như thế nào.
Trước hết người ta trồng cây và nuôi cây trên khoảng đất riêng đặc biệt từ 10 đến 20 năm. Cây trồng càng lâu thì tiếng đàn mới có giá trị khi họ làm thùng đàn, tùy theo loại gỗ như cây bằng, cây trắc, cây lim. Có đàn phải nuôi cây đến ba bốn mươi năm như loại đàn Âu Châu Pleyel của Pháp, Hansen, Balwin, vì có trải qua thời gian đến mấy mươi năm sau mà tiếng đàn vẫn thanh tao, thùng đàn vẫn tốt, cây không bị mối mọt ăn. Sau khi đốn gỗ về, họ đo kích thước xẻ cây từng mãnh theo hình dáng cây đàn. Sau khi xẻ , họ đem gỗ nhuộm trong một cái hồ lớn có nước thuốc pha mầu tùy theo loại, và có một cần trục mang tấm gỗ lên phơi nắng chiều chứ không phơi buổi nắng gắt vì sợ gỗ nứt nẽ. Những cây gỗ quí thường nhuộm lâu từ ba đến sáu tháng, có khi đến một năm. Và mồi tuần họ thăm gỗ xem màu nhuộm thế nào.
Trong một chuyến đi trình diễn độc tấu dương cầm tại Đức, người viết có dịp đến thăm xưởng làm đàn Piano ở Lefzig Ðức Quốc, đi thăm rừng nơi họ trồng cây, nuôi cây, và xem họ mang gỗ về xưởng nhuộm và cách làm từng thanh búa gỏ vào dây đàn kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Phím đàn ngày xưa, hay sáu bảy mươi năm về trước thường làm bằng ngà voi. Sau này, họ dùng Formica màu trắng thay cho phím ngà. Ngày nay, nếu ai có đàn dương cầm với phím ngà, giờ đây nếu bán đàn sẽ rất có giá.
Khi căng dây đàn, họ có máy đo chính xác âm thanh để âm ba cho đúng cao độ. Máy đo âm thanh hiện đại bây giờ là nhờ máy điện toán nhưng ngày xưa thì nhờ bằng đôi tai của ông thợ lên dây đàn. Vào thế kỷ XX, năm 1903 ông Schermann đã sáng tạo máy nghe âm thanh gồm có một nốt chuẩn là nốt La (A). Ðó là một thanh sắt nhỏ gỏ vào gỗ phát ra tiếng động ta gọi là Diapasion cũng như ông cũng sáng chế máy đánh nhịp (Metronome). Ngày xưa, khi làm búa gỏ vào dây đàn, người thợ dùng cưa rất nhỏ và cưa bằng tay, cũng phải khéo léo, nếu vụng về thì miếng gỗ nứt, khi đánh vào dây tiếng đàn sẽ nghe lụp cụp, miếng gỗ phải chắc chắn khi chạm vào dây đàn. Người làm đàn họ tính toán phím đàn đánh vào thanh búa khoảng bao nhiêu triệu lần là phải thay dàn búa. Bây giờ giãn dị hơn, dàn búa cưa bằng máy có kích thước sẵn, cũng như sườn đàn không ráp bằng đồng hay bằng gang, mà họ ráp bằng gỗ và sơn nuớc bóng lên, rồi quét thêm lên một thứ nước để ngừa mối mọt. Gỗ nhuộm đúng tuổi, tiếng đàn rất hay âm thanh dày ấm, nếu gỗ nhuộm non, tiếng đàn không dày đủ và không ấm, cho nên tùy theo loại đàn mà giá tiền đắt, rẽ là vậy.
Sườn đàn ngày xưa chắc và nặng, họ làm bằng đồng, hay bằng gang, lúc khiêng rất nặng. Thường phải năm sáu người khỏe mạnh mới di chuyển nổi cây đàn. Thời đại Danh sư Chopin, nhà làm đàn Pleyel dành đặc biệt cho Chopin một đàn piano gỗ trổng trên 30 năm, nên danh sư này đi đâu cũng chỉ thích trình tấu nhạc bằng hiệu đàn Pleyel này; kể cả khi ông ra ngoài đảo Majorca sống với người yêu George Sand, ông cũng đã mang đàn theo. Vì thế, hậu sinh mới có bộ tác phẩm Etude tuyệt vời mà Chopin đã sáng tác lúc đó. Hiệu đàn Piano được dùng trong những lâu đài hay những căn nhà quí phái, giàu có sang trọng khi có tổ chức nhạc cho hòa tấu hay độc tấu hoặc cho ca hát, hoặc cho nhạc kịch. Vào thời kỳ phim câm chưa có lồng tiếng nói, người ta cũng nhờ đàn piano đề làm nền cho phim diễn đạt những diễn biến trong chuyện phim rất hiệu quả, người xem hiểu được diễn tiến trong cốt chuyện, vì đàn piano có thanh âm diễn tả ngôn ngữ và tiết tấu rất rộng rãi. Cho đến nay, hiệu đàn Pleyel đã mai một theo thời gian nhưng tên tuổi cây đàn vẫn mãi mãi không quên trong giới đàn dương cầm…
Sau Thế chiến II, nước Nhật đã vươn lên, chánh quyền đã cho sinh viên du học nước ngoài như tại Đức, Pháp để học làm đàn. Họ khéo biết nắm tâm lý quần chúng và làm kiểu đàn gọn, nhẹ cho những căn nhà nhỏ, bên cạnh đó họ vẽ kiểu theo khiếu thẩm mỹ của mỗi quốc gia, nên piano có tên Yamaha đã làm chủ thị trường khoảng trên 50 năm qua. Tuy vậy, đàn Yamaha vẫn không qua mặt nổi piano hiệu Steinway của Mỹ, vì tính chất lâu bền, âm thanh hay, và những chi tiết của cây đàn ăn đứt piano của Nhật, đàn này càng lâu năm thì âm thanh càng tuyệt vời. Một cây đàn Upright loại đứng của Steinway dù hai chục hay hai mươi lăm năm mà giá 20 mươi ngàn Mỹ kim là thường, và người kén đàn, khi bàn tay đã chạm qua cây đàn Steinway là không muốn đàn cây đàn hiệu nào nữa ngoài Steinway hoặc khi người đã đàn qua Grand Piano là không muốn đàn loại nhỏ Upright nữa.
Tại Việt Nam, người viết vẫn còn nhớ thời Việt Nam Cộng Hoà do Tổng thống Ngô Ðình Diệm lãnh đạo, khi xảy ra cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, vì dân chúng lúc đó tức giận chế độ Ngô Đình Diệm, họ đã mang những đồ đạc trong Dinh ra đập phá một cách vô ý thức, ngu xuẩn; trong đó có một cây đàn Baby Grand Pleyel đắt giá với phím đàn bằng ngà voi rất quí, cạnh đàn thì mạ vàng, chân đàn chạm trổ công phu cũng đã bị người ta lấy búa đập nát cây đàn. Lúc ấy khi đã khuya, đường phố vắng lặng, sau một ngày hò hét, đập phá và bỏ đi, tất cả chỉ còn lại một bãi rác, chính tôi đã bước giữa ngã tư đường gần Dinh Gia Long nhìn cây đàn bị vỡ nát mà rưng rưng nước mắt. Tôi đã lượm những mãnh búa gỗ, cùng phím ngà đã rớt ra ngoài, gom góp những sợi dây đàn tua tủa với lòng tiếc nuối. Vì niềm mơ ước của tôi là có một cây đàn tốt để học như con của Bà Ngô Ðình Nhu là cô Ngô Ðình Lệ Thủy nhưng không bao giờ được hân hạnh có. Đến năm 1975, bọn Cộng Sản ngớ ngẫn, dốt nát từ rừng rú vào thành phố Sài Gòn. Tháng 12 mùa đông năm đó rất lạnh, chúng ngu muội lấy những đàn piano hiệu Yamaha của chủ nhà bỏ đi ra nước ngoài mang đi chẻ nát làm cũi để sưởi. Chúng bảo đó là tàn tích của Mỹ Ngụy và bọn chúng đã phá nát không tiếc thương. Những tháng năm sau đó, mỗi tuần chúng đã chở cả trăm đàn piano hiệu Yamaha lên tàu ra Hà Nội, và chúng mang nhiều đàn piano khác nữa lên tàu để trả nợ cho Liên Sô lúc đó. Chỉ có những người yêu đàn mới thông hiểu sự tan nát khi nhìn thấy cảnh đau lòng như trên…