Những Cung Bậc Long Lanh Trong Thầm Lặng

Nguyễn Trần Quang

 

Linh Phương Trong Nỗi Trầm Luân Lẩn Khuất  Với CD “Mưa Lệ,” “Mưa Tình”

 

“Ðời ta nửa tỉnh nửa say,Cười say bên ngọn đèn dầu nửa khuya.
Nửa thương nửa nhớ, nửa ngao ngán tình,
Nửa hồn dưới mắt phù sinh.
Ðời như nửa cuộc hành trình bể dâu,
Chập chờn nửa giấc canh thâu.” 

 

Người ta đã bắt gặp một phần nào tâm sự của nữ nhạc sĩ Lê Linh Phương khi phổ nhạc bài thơ của Vũ Hối trong tập Mây Sóng do chị xuất bản năm 1995.  Một thiếu phụ ngoài tuổi năm mươi với hơn ba mươi năm sống với phím đàn piano này hiện là khuôn mặt quen thuộc trong một cộng đồng người Việt đông đảo  tại thành phố du lịch Orlando, Florida. (*)   Nhạc sĩ Linh Phương lớn lên theo những bài Thánh ca trong Nhà thờ Saigon, chị cũng là Trưởng Trung tâm Ðắc lộ, chị đã từng trải qua nhiều năm trầm luân trong ngục thất Chí hòa sau năm 1975, cũng tại nơi đó, Linh Phương đã  lén ghi lại  các nốt nhạc sáng tác trên những mãnh giấy của  bao thuốc lá.

 

Trước khi đến Hoa kỳ, Linh Phương là người tốt nghiệp   chuyên khoa dương cầm khóa I tại Viện Quốc gia Âm nhạc Saigon năm 1967 cùng với năm bạn đồng khóa.  Ðến Hoa kỳ năm 1985, Linh Phương tiếp tục học về âm nhạc tại Orlando, và chị đã  tốt nghiệp Sư phạm chuyên khoa dương cầm tại Ðại học Deland, Orlando, chị là giáo sư dạy âm nhạc và piano tại các trường Trung học trong thành phố Orlando, người đã chiếm giải giáo sư xuất sắc trong các năm 1988, 90, 92, 94 và 95.

 

Cuộc sống tuy sôi nổi, chất chứa nhiều u uẩn của những mối sầu riêng, Linh Phương thường đưa vào nốt nhạc, bài ca những hạt MƯA giọt thầm xuống chiếc gối cô liêu với những khát khao  được trở lại những giây phút hạnh phúc của thuở ban đầu.  Các CD nhạc độc tấu dương cầm của chị thường bắt đầu với chữ mưa:  MƯA LỆ, MƯA  TÌNH, MƯA TƯƠNG TƯ.  Ở phần kết của  một sáng tác nhạc phẩm “BAO GIỜ” của Linh Phương có câu thơ: “Giấc mơ hoa không đến hai lần,Cho đời (em) tươi mát (của) cơn mưa đầu mùa.”  Linh Phương thường sáng tác nhạc theo chủ đề tình yêu dang dỡ như bài “Xa Nhau,” “Ảo Vọng,” “Sao Em,” “Tình Tuyệt Vọng.”   Nhiều bài khác thì chị lấy chủ đề quê hương theo thể điệu dân tộc hoặc ngũ cung như nhạc phẩm “Hàn Băng,” “Chén Tương phùng,” (phổ nhạc thơ của Hà Huyền Chi).   Nữ nhạc sĩ Linh Phường đã nói với ngườI viết “… nó thường đến từ nỗI tuyệt vọng và nỗi khổ đau, từ những kỷ niệm vui buồn của người thân, hay của chính mình.  Cũng có khi cảm hứng đến từ giây phút ngao du sơn thủy, vì sở thích của Linh Phương là du lịch, di bộ, ngắm cảnh và leo núi.” Linh Phương thường được mời đi trình diễn dương cầm  tại nhiều thành phố, tiểu bang trên Hoa kỳ.  Nhiều ngườI nghe tiếng đàn từ Linh Phương đã có rung cảm chân thành, như lời trang tặng của thính giả N.N. Ð trên báo Bút Việt tại Minnesota:

 

 

“Chị ngồI im như pho tượng, khiến thính giả giật mình tưởng có điều chi bất thường.  Bất chợt, chị dang rộng  đôi  tay kỳ diệu  rung mạnh trên hàng phím ngà như để đánh thức mọi ngườI: những âm thanh sôi nổi, thổn thức, đôi lúc quyết liệt của “Giấc Mơ Hồi Hương” đã thôi thúc người nghe hãy tin một ngày về.  Dòng nhạc tiếp nối dẫn dắt ngườI thưởng ngoạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.  Lúc bình dị, khi xót xa, đôi khi giận hờn oán trách đưa mọI ngườI lên con đò “Qua Bến Ðà Giang” trong nhịp chèo khua nước êm ả, trên một giòng sông quen thuộc nơi quê hương thanh bình  nay chỉ còn trong ký ức.  Thính giả đưọc thưởng thức tài nghệ tuyệt vời thể hiện qua đôi tay ngà trên phím piano của Linh Phương với âm thanh quyến rũ, ru hồn.”

 

 

Kho tàng băng nhạc độc tấu piano tạI hảI ngoại rất hiếm thấy được trình bày từ nhạc Việt.  Với nữ nhạc sĩ Linh Phương lại khác, trong hai CD “MƯA LỆ,”  “MƯA TÌNH” chị đã độc tấu toàn nhạc Việt từ thời tiền chiến đến hiện nay qua các nhạc phẩm bất hủ của những tác giả có tên tuổi đi sâu vào tâm hồn người nghe tự bao giờ, như Ðặng Thế phong, Dương Thiệu Tước, Ðoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Cao, Lê Thương, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Thương,, Hồ Dzếnh, Phạm Duy, Cung Tiến, Khánh Băng, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn.

 

Khi viết nhạc cho piano, Linh Phương chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển của Chopin hay Roger William, nhất là chị chịu ảnh hưởng nhạc buồn của nữ nhạc sĩ Nga Alla Pugasova về tiết tấu, cùng kịch tính  qua nhiều thể loại.  Khi trình tấu nhạc Việt, chị quan niệm phải giữ đúng bản sắc của nhạc Việt, không phá phách thể điệu.  “BởI vì Linh Phương có khuynh hướng bảo thủ, gìn vàng giữ ngọc những tác phẩm bất hủ của nền âm nhạc quê hương Việt nam,”  Linh Phương nói. Chính phong trần cuộc sống và lòng yêu âm nhạc đã trở nên chất liệu để thiếu phụ Linh Phương này sáng tác tập nhạc MÂY SÓNG, và các CD có tựa đề bắt đầu bằng chữ MƯA.

 

Nữ nhạc sĩ Linh Phương có cuộc sống khép kín, không lăn xả vào chốn ăn chơi hoặc sống phóng túng bạt mạng như nhiều nghệ sĩ khác hoặc đôi ba người tự khoác danh “nghệ sĩ” như là một thứ trang sức thời thượng.  Chính tiếng đàn của chị đã chinh phục cảm tình của thính giả và từ đó đến với các bằng hữu văn nghệ rải rác khắp nơi, có những người chưa một lần diện kiến. Trên  Nguyệt san  Hồn Việt tại Hoa kỳ do Chủ bút Ngọc Hoài Phương, nhạc sĩ Trần Quan Long đã viết: “Trong âm thanh của hai CD “Mưa Lệ,” “Mưa Tình,” tôi đã nghe mưa gió của cả một đời nghệ sĩ biệt xứ, những tang thương một kiếp phù sinh.

 

Tiếng đàn dương cầm của Linh Phương thật lã lướt, điệu luyện mà nếu sử dụng Keyboard thì không thể diễn đạt như chị được.  Tiếng đàn thoát ra cái bản tính của một phụ nữ nhu mì, hiền hòa, tiếng đàn với những nốt nhạc Arpege dịu dàng  làm cho ngườI nghe dễ chịu, thanh thoát…” Nhạc sĩ Linh Phương cũng từng bảo rằng hai tác phẩm  độc tấu dương cầm qua nhạc Việt  vừa kể, chị mong muốn sẽ mang lại  chút nào thư giản thần kinh  cho người nghe khi rời nhiệm sở trở về trong căn phòng của mình, mong muốn cho người nghe tìm được những hình bóng hạnh phúc mong manh đó đã sớm phôi pha theo cơn lũ sóng đời, hay để cho những ai muốn quay lại một nơi chốn tĩnh lặng  riêng mình sau cơn ác mộng một lần xâm chiếm cuộc đời. Không là nhà văn, nhà thơ, nhưng Linh Phương đã sáng tác rất nhiều bài thơ và tùy bút.  Có một bài viết của chị đã đăng trên Báo Xuân Tình Thương năm 1998 đã phần nào nói lên tâm hồn của một phụ nữ nghệ sĩ này.  Ðó là bài viết “Giọt Hồng Sương Bên Thềm Ðịa Ngục”  đã ghi lại một chuyện thật xảy ra trong nhà tù Cọng sản.  Một cựu sĩ quan Cảnh sát vì yêu mến tài năng âm nhạc Linh Phương, chàng cũng đã yêu thầm cả con người chị.  Chàng đã lén hái hoa hồng còn sương đêm tại tư gia của một cán bộ nhà tù, chàng bí mật mang hoa đến tận xà lim để tặng Linh Phương.  Thế rồi, hành động ga-lăng trao gửi tình yêu này bị lộ, chàng tình si bị đưa đi biệt giam.

 

Thưởng thức CD “Mưa Lệ,”  “Mưa Tình,” nhạc sĩ Trần Quan Long nhận  thấy “như chan hoà trong tiếng đàn của một nghệ sĩ rất cô đơn… Những âm vang  do Linh Phương tao ra cho thấy khung trời  riêng tư dĩ vãng mà nàng đã sống qua, đã can đảm giữ lại, không để đọng thành những giọt lệ mà chỉ thoát ra bằng cung bậc kỳ  diệu của tận cùng phiền muộn…”   Từ đó, một nhà báo đã cảm tác thành các câu thơ: “Người đàn khúc nhạc ngày xưa,Ta nghe sóng vỗ đội bờ hợp âm.Gió mưa trên phím dương cầm,Tỉ tê, nặng nhẹ, thì thầm, ỉ ôi.Một câu cũng đủ một đời,Xót xa đâu phảI trăm lờI xót xa.Lệ mưa, Mưa lệ nhạt nhòa,Cuốn đôi mắt lạnh, chở hoa cuối dòng.”

 

Nguyễn Trần Quang

 

Chú thích: Kể từ mùa Hè năm 2004, nữ Giáo sư Linh Phương đã đến cư ngụ tạI thành phố Houston, TX và hiện nay Linh Phương rất nhiệt thành  phục vụ Chúa qua lãnh vực âm nhạc tại Hội Thánh Tin Lành Lutheran Vietnam, Houston, TX