Nhìn Lại 30 Năm Âm Nhạc Việt Nam

Linh Phương

Tôi không có ý định làm một cuộc khảo sát hay tổng kết về đề tài này. Muốn làm được điều này đòi hỏi rất nhiều thì giờ, cùng tham khảo tài liệu. Đây là việc làm của nhà nhạc học Trần Quang Hải, người đã với bao năm dày công miêt mài, và nếu anh không có tấm lòng thương yêu nhạc Viêt, lòng kiên nhẫn thì không ai có thể làm nỗi, vì nó đòi hỏi quá nhiều thời gian công sức và trí tuệ.

 

Nơi đây, tôi muốn nói lên những trăn trở, ưu tư của người theo nghiệp âm nhạc nghệ thuật đã lâu, và hoài bảo là muốn giữ gìn âm nhạc Việt nam không bị hư mất theo thời gian. tôi kêu gọi các anh chị em đang làm công việc nghệ thuật trong thị trường văn nghệ hãy yêu thương công việc mình làm một cách nghiêm túc và cẩn trọng. Vì đấy là đạo đức và tấm lòng tôn trọng đồng bào của người làm nghệ thuật âm nhạc.

 

Trong các ngành nghệ thuật, âm nhạc dễ đi thẳng vào lòng người nhất, sự diễn tả trong phong cách qua các sắc thái vui buồn hỉ, nộ, ái, ố. Vì thế, người ta thường dùng âm nhạc để làm vui đời và cũng dùng âm nhạc trong các lễ hội, cầu tế hoặc dùng âm nhạc trong các khoa chửa bệnh tâm lý trị liệu. Trên bình diện rộng lớn hơn, âm nhạc cũng đã được dùng để ủy lạo tinh thần các chiến sĩ Quốc gia Việt Nam Cộng hòa nơi tiền đồn hoặc dùng âm nhạc để chiêu hồi các cán binh Việt cộng mà Tổng cục Chiến tranh Chính trị thời trước 1975 đã có một đội ngũ nhạc sĩ viết nhạc thật tài giỏi đã đưa giòng nhạc của mình đến người nghe có sức thuyết phục, sự ấm áp và tin tưởng, vì thế đã chiêu hồi được nhiều cán binh miền Bắc trước năm 1975 trở về với quốc gia. Điển hình có nhạc sĩ Y Vân trong nhạc phẩm ‘Ngườì Bạn Mười Năm Qua,’ nhạc sĩ Lê Dinh với nhạc phẩm ‘Bóng Đêm,’ Nhật Bằng và Nguyễn HIền qua nhạc phẩm ‘Về Đây Anh’ đã được dùng làm nhạc hiệu trong chương trình Chiêu hồi do Đài Phát thanh Saigon trên làn sóng hằng đêm. LạI còn có nhóm Lê Minh Bằng, và sau này còn có các nhạc sĩ trẻ khác như Trúc Phương, Song Ngọc, Hoàng Trang, Hoài Linh, Thanh Sơn v.v…

 

Nhạc Việt phong phú vì ngôn ngữ Việt nam có các vần thanh bằng trắc theo tiếng nói. Vì thế, các nhạc sĩ Việt nam của chúng ta đã viết nhạc theo thanh âm tiết tấu cộng với kỹ thuật viết để trải dài nỗi lòng của riêng mình. Họ đã đóng góp vào nền nhạc Việt Nam nhiều nhạc phẩm bất hủ.

 

Việt Nam đã sản sinh những bậc thầy tài hoa về âm nhạc, dù họ đã sống nghèo trong đau thương, bệnh tật như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Lê Thương, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Khánh Băng, Lam Phương, Nhật Bằng, Văn Phụng, v.v… Những vốn sống tích tụ cộng với tài năng cùng kiến thức, kinh nghiệm đã bật lên những cung nhạc xuất thần, hiến cho đời những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. Và khi bài nhạc được diễn tả đã tạo nên sự xúc động cho người nghe qua ý nhạc, từ ngữ và tiết tấu.

 

Nhà nữ Nhạc học Nga hiện đại Nina Pugasova đã viết: ‘Nghệ sĩ phải có nhiều yếu tố sau đây: năng khiếu trời cho, sự học tập, kiên nhẫn, kỷ luật, sự sáng tạo, và đạo đức mới làm nên một nghệ sĩ mà đức tính khiêm tốn học hỏi chuyên cần là căn bản để phụng sự đời và chính mình thì mới thăng hoa tốt đẹp trong lãnh vực nghệ thuật.’

 

Nhạc Việt có sắc thái đằm thắm, tự tình dân tộc, thanh âm đẹp lồng vào lời ca tiếng nhạc đã làm cho nhạc sĩ ngoại quốc bạn tôi khi nghiên cứu về nhạc Châu Á, họ đã khen tặng nhạc Việt thật đẹp (beautiful), tạo cho người nghe âm thanh dịu dàng, nhẹ nhàng và sự giản dị nhưng lại thật đẹp (La simplicité est la beauté!) Xin đừng tưởng người ngoại quốc không biết thưỡng thức nhạc. Vì âm nhạc vốn là một ngôn ngữ quốc tế. Nếu nghệ sĩ có thể diễn đạt được đầy đủ tính chất của âm thanh, diễn tả tinh thần, nói nôm na là cái hồn của bài nhạc, thì nhạc phẩm mới làm rung động người nghe.

 

Ngoài phần ca hát, ca sĩ có thể diễn đạt bài hát theo sắc thái buồn, vui, trong sáng. Muốn như thế, nghệ sĩ cần nghiên cứu sắc thái tinh thần của bài nhạc trước khi trình diễn hay trình tấu thì mới có khả năng truyền đạt tín hiệu đến nguời nghe. Không có gì phản tác dụng khi lời của nhạc phẩm có nội dung chia ly đau thương, thế nhưng, ca sĩ vừa ca vừa cười toe toét bên cạnh các vũ công theo điệu Lambada chậm như hiếp đáp, bức tử bài nhạc của người sinh ra đứa con tinh thần, quả là họ đã giết chết tác phẩm. Khi ca nhạc hoạt cảnh dân quê, thế mà nữ ca sĩ với y phục mầu sắc lòe loẹt, đánh phấn tô son thật đỏ, tay đeo nữ trang sang trọng, giọng hát the thé, có đôi khi họ còn quay mông về phía khán giả thì thật là chẳng có sự tôn trọng khán thính giả chi cả.

 

Đành rằng làm văn nghệ thì cũng có phần làm tiền, tuy nhiên, thiết nghĩ rằng người làm nghệ thuật nên hướng dẫn quần chúng đi vào sự thưởng thức nghệ thuật một cách đứng đắn, hợp lý chứ không chạy theo thị hiếu mà hậu quả sẽ di hại cho thế hệ về sau này, khi con em chúng ta tìm hiểu văn hoá nghệ thuật, thế mà họ thấy chỉ có như thế đó sao? Họ sẽ hiểu lầm rằng nghệ thuật của người đi trước sao lại lai căng, bắt chước cách thô thiển và ấu trỉ đến thế!

 

Từ khi miền Nam Việt nam đã bị bạo quyền Cộng sản cưỡng chiếm, người dân đã phải vượt biển đi tìm tự do, họ đã trả giá với biết bao là đau thương, tù ngục, tang tóc, tổn thương, mất mát để mong cho con cháu mình sau này được sống trong sự tự do, có giá trị, an toàn, với một tương lai tốt đẹp mà bạo quyền Cộng sản thâm hiểm đã hủy diệt văn hoá lịch sử, truyền thống, phong tục, gia bảo của nước nhà để thiết lập một thế hệ mới của con cháu bác cho đúng câu ‘Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người,’ thì thử hỏi sau 30 năm nền nhạc Việt nam còn lại những gì? Trong nước thì chánh quyền Cộng sản không cho những sản phẩm văn hóa hải ngoại nhập vào. Trái lại, họ đầu độc tư tưởng người Việt hải ngoại bằng những nghị quyết này nọ… Họ đã tung ra những đòn quyết liệt hòng nhuộm đỏ tư tưởng của người Việt tại hải ngoại mà giờ đây cuộc sống đã ổn định chỉ muốn thưởng thức những công trình văn hóa nghệ thuật dân tộc và những khai sáng khám phá mới mẽ đi đúng đưòng nghệ thuật dân tộc Việt. Vậy những người làm công tác nghệ thuật nên chú trọng đến tinh thần đạo đức.

 

Thật vậy, có những nhạc phẩm thật tinh túy và hồn nhạc nói lên nỗi niềm của người sáng tác mà ngưòi soạn hòa âm đã giới thiệu chủ đề của nhạc phẩm lại đi vay mượn phần nhạc dạo (Introduction) của điệu nhạc Tầu Thượng Hải hoặc có một bài nhạc thời thượng mà phần nhạc dạo họ lại lấy tiết tấu của ‘Sonate Ánh trăng’ (Moonlight Sonate của Beethoven) thì đúng là họ đã hiếp đáp một đại tác phẩm cỗ điển Tây phương. Bên cạnh đó còn có những bài nhạc với giai điệu êm dịu thì ban nhạc lại đổi ra những điệu nhạc Disco, Techno, Hip hop, còn bài nhạc có tiết điệu Bolero, Rumba thì họ đổi sang Cha Cha Cha, Be Bop.

 

Điển hình là gần đây bài ‘Còn Yêu Em Mãi’ của Nguyễn Trung Cang. Đây là một nhạc phẩm sầu buồn mà tác giả đã sáng tác cho ngưòi vợ mình khi ông ta đang ở trong trại tù. Một nhạc phẩm thật sâu lắng với điệu nhạc chậm để diễn tả, thế nhưng, có người đã thay đổi tiết tãu thành ra điệu nhạc giật gân, họ trững giỡn với niềm đau thương của tác giả. Và còn nhiều nữa mà người viết không thể kể xiết trong bài viết này.

 

Sau 30 năm, nay nhạc Việt sẽ đi về đâu khi mà hồn văn hóa dân tộc đã bị xoáy mòn, thui chột, vì những nhạc phẩm đã bị bức bách xiêu vẹo qua một hình thức khác. Cảm giác của người nghe đã bị bắt buộc thay đổi: Nhạc Viêt thuần túy đằm thắm thì bị sửa lại theo thời trang lai căng. Những bài nhạc buồn thì đã bị sửa lại ra điệu nhạc vui nhộn, còn các bài hùng ca thì tiết tấu bị đổi ra nghe thật chậm chạp như một người bị bệnh. Còn các nhạc phẩm sống động vui tươi trong sáng thì đã bị ca diễn như một sự diễu cợt không trách nhiệm.

 

Nhà Nhạc học người Ý-đại-lợi Larry Rosen đã nói với tôi rằng ‘Bạn có muốn trở thành một nhạc sĩ thành công có giá trị thì hãy học tập nghiên cứu hồn nhạc dân tộc, bên cạnh đó cộng thêm sự sáng tạo nghệ thuật, kỹ thuật cho đúng tính chất bản thể riêng của văn hoá Việt nam. Đó mới là một nghệ sĩ có tinh thần đạo đức. Vì nhạc Việt nam có hồn nhạc riêng không thể làm cho giống nhạc ngoại quốc được. Nếu có làm đi chăng nữa thì cũng chỉ là một loại nhạc lai căng mà người nghe không hiểu được chi hết, không thẩm thấu được. Họ chỉ thấy múa may sai lạc điệu và sắc thái của bài nhạc. Và nếu chúng ta muốn giới thiệu nhạc Việt cho người ngoại quốc thì cũng không có tác dụng chi; nên họ xem thường nhạc Việt của chúng ta.’

 

Tóm lại, như đã trình bày trên đây, chúng ta là người Việt hãy yêu mến nhạc Việt, gìn giữ bảo tồn văn hóa. Vì chúng ta không còn gì mà chỉ còn lại gia tài âm nhạc, xin đừng làm mai một, xin đừng làm mất đi tính chất văn hóa dân tộc để những ngườI đi làm văn nghệ, nghệ thuật như chúng ta có thể ngẩng mặt hảnh diện với thế giới qua các công trình giới thiệu nền nhạc Việt nam.

 

Mong lắm thay!

 

Linh Phương

(2000 Outstanding Musicians of the 20th Century 2001

International Biographical Center Cambridge, London, England)