Nhạc Sư FRANZ JOSEPH HAYDN Với Kỷ Nguyên Nhạc Cổ Ðiển Lãng Mạn

Linh Phương
Biên Khảo Lịch Sử Âm Nhạc

Joseph Haydn (1732-1809)
Born: March 31, 1732. Rohrao, Austria. Died: May 31, 1809. Vienna, Austria
Portrait by Guttenbrunn
(http://en.wikipedia.org/wiki/File:Haydnportrait.jpg)

Ðến hậu bán thế kỷ XVIII, âm nhạc Tây phương  đã có những thay đổi về hình thức và có đặc tính mới, được mệnh danh là thời kỳ nhạc lãng mạn Cổ điển.  Loại nhạc mới này có những khác biệt về cách diễn tả và nhạc thể, phổ khúc và cân đối, khác với loại nhạcbaroque thời trước (tiền cổ điển) là chỉ giữ một nhạc thể trong một  bài nhạc, ít có sự đổi thay về nhiệp điệu và nhạc cụ.   Sự thay đổI trong thế kỷ XVIII Ià sử dụng vài nhạc cụ vào vai trò hòa âm đệm nhạc.  Nói khác đi là các nhà soạn nhạc nghĩ đến  đặc tính riêng  của mỗi nhạc khí có khác biệt.  Nhạc cổ điển còn có đặc tính là cân đốI, bài nhạc thường được  soạn  với các câu ngắn, thường là 4  khuôn  (four-bar phrase).

Trong kỷ nguyên  nhạc  cổ điển có hai nhạc sĩ lớn chế ngự là Haydn và Mozart.  Haydn ngưòi Áo quốc (1732 – 1809).  Ông là con trai của một gia đình thợ đóng và sửa bánh xe ngựa.  Khi ông lên 8 tuổi, giáo đường St. Stephen tại Vienna đã tuyển Haydn làm một lễ sinh trong chín năm, đấy là lúc ông vị vỡ giọng.  Sau đó là giai đoạn học tập và ông đi dạy học để sống.  Mãi cho đến năm 1759, Haydn được chỉ định giữ chức vụ chuyên nghiệp đầu tiên là giám đốc bộ môn nhạc cho Bá tước Morzin.  Trong hai năm ở chức vụ đó, ông đã viết những bài nhạc hòa tấu đầu tiên và nhiều bài nhạc bốn phần.  Ðến năm 1761, Bá tước Morzin bị kiệt quệ về tài chánh, dàn nhạc bị thu hẹp lại và Haydn hết việc.  Tuy nhiên, vào cuối năm ấy, ông đã tìm được việc mới, đấy là làm phụ tá cho vị nhạc trưởng của ông hoàng quí tộc Esterházy, khác hẳn vớI Morzin,  ông này thật giầu có..  Vì thế, Haydn được an tâm làm việc trong suốt 30 năm dài.

Chức vụ của Haydn tại đây cũng không có một qui chế nào đặc biệt.   Ông và các nhạc sĩ dưới quyền ông luôn phải mặc đồng phục, họ đưọc xếp vào với các nhân viên phục vụ trong hoàng gia, cùng với quân lính hầu, quân hộ tống  và các gia nhân khác.   Việc hằng ngày của Haydn là gặp ông hoàng để nhận chỉ thị về việc hòa tấu nhạc, soạn các nhạc phẩm theo ý thích của các vương tôn  độc quyền sử dụng. Thêm nữa, nếu không có lệnh của ông hoàng thì Haydn tuyệt đối không được soạn nhạc  ở bên ngoài lãnh địa của hoàng gia trong bất kỳ cơ hội nào.  Có thể nói được rằng hoàng thân  Esterházy hoàn toàn làm chủ sức sáng tạo của của Haydn, do đó, ông đã không có một cơ hộI để tự mình nêu tên tuổi.  Ngoài chức vụ phó nhạc trưởng, Haydn  còn có trách nhiệm dẫn dắt ban nhạc về mặt nghề nghiệp và xã hội, luôn cả về tình trạng âm nhạc và nhạc khí. Trong quảng thời gian này, Haydn có những mối tương giao rất tốt đẹp với gia quyến ông hoàng Esterházy.   Năm 1762, khi hoàng thân Nicolas lên nối nghiệp vương, ông này lại yêu thích âm nhạc và là một nhạc công tài tử, ông đã khích lệ Haydn thật nhiều, ông ta cất nhắc nhạc sĩ tài ba Haydn lên giữ chức vụ nhạc trưởng vào năm 1766.  Haydn đã tuyên bố: “Ông hoàng  Nicolas bao giờ cũng hài lòng về  việc làm của tôi.   Tôi đã bị  cắt đứt  liên lạc với thế giới bên ngoài, không có một ai làm rộn, quấy nhiễu tôi, tôi bắt buộc phảI giữ đặc tính riêng không giống ai hết.” Năm 1790, Hoàng thân Nicolas từ trần, Haydn mới thôi làm việc và bắt đầu đi du lịch.   Trong thời gian ông làm việc cho ông hoàng Esterházy, ông đã sáng tác nhiều nhạc phẩm, nhiều bản hợp tấu (Symphonies),hòa tấu (Concerto), lễ ca (Masses), nhạc kịch (Opera), giáo nhạc (Thánh ca Oratotios), nhạc giải trí (Divertimentos), nhạc khúc (Sonatas), nhạc 3 phần  và 4 phần (Trios, Quartets), thêm vào 126 nhạc phẩm 3 phần giọng trầm dành cho ông hoàng Nicolas chơi đàn.

Năm 1790, cuộc đời Haydn chuyển sang một khúc rẻ mới.  Ông được một ông bầu tên Salomon mời đi viếng thăm Anh quốc,  ông viết 6  nhạc phẩm hợp tấu để trình diễn.  TạI Anh Quốc, Haydn đã được hoan nghênh nhiệt liệt, các nhạc phẩm hợp tấu của ông đã được yêu cầu trình diễn  rất nhiều lần.  Ðặc biệt, nhạc phẩm Messiah cũng đã được cho trình tấu  trong dịp này và kéo dài suốt 18 tháng.

Haydn đã đưọc mọi người ngưỡng mộ và kính phục, vì ông đã có công tạo nên loại nhạc 4 phần cho dàn nhạc chơi nhạc cụ có dây gồm hai vĩ cầm, một đại vĩ cầm và một hồ cầm.   Lại có thuyết nêu lên rằng nhạc sĩ Samartini là ngườI đầu tiên có ban nhạc bốn nhạc cụ có dây.  Người khác thì cho rằng đấy là do Bocceneri hay Tartini.  Cứ cho là thế chăng đi nữa, ban nhạc có bốn đàn có dây như Haydn đã sử dụng  (và nhiều nhà soạn nhạc sau này)  chắc chắn   là dựa theo kiểu nhạc ba đàn có dây (string trio) của Ý đạI lợi và áp dụng vào nguyên tắc cổ điển.  Do công Haydn khai thác tận tình nhạc 4 phần và là người đầu tiên soạn nhạc thể loạI này, vì thế, nhiểu nhạc sĩ khác đã chọn thể nhạc này để diễn tả tư tưởng âm nhạc thầm kín nhất của mình. Năm 1794, Haydn sang Anh lần nhì, ông được đưa vào hoàng cung  triều kiến nhà vua George III.   Bộ nhạc bản thứ hai của Salomon trong thời kỳ này cũng kéo dài 18 tháng, gồm có nhiều bài hợp tấu, ba nhạc khúc cho dương cầm, nhiều ca khúc, kể cả phần hoà âm cho các ca khúc Tô-cách-lan.  Khi ông trở về Áo quốc, Haydn bắt tay ngay vào các sáng tác cuối cùng của đờI mình.  Haydn quay trở lại cái sở trường nhạc 4 khúc và soạn được sáu nhạc phẩm (trong số này có op.76 và 77).  Nhạc phẩm chót (op.103) bị dỡ dang và không hoàn tất. Giới âm nhạc đã vinh danh Haydn về nhạc phẩm Tạo hoá (The Creation) mà ông viết từ các đoạn văn của Milton dịch từ Ðức ngữ.   Ðấy là một nhạc phẩm  thực sự  tiếp nối nhạc Haydn về mọi khía cạnh.  Một năm trước khi nằm xuống, ông đã được nghe trình tấu nhạc phẩm này.  Và đến khi ông nghe dàn nhạc đi vào đoạn có chữ “ánh sáng” (light) Haydn đã ngước mắt nhìn bầu trời và khẻ nói: “Ðâu có phảI nhạc của tôi.   Nhạc này là do từ trời cao mà xuống đó thôi.” Dù cho Haydn muốn từ chối không nhận sự đóng góp của mình vào thế giới âm nhạc Tây phương, tuy nhiên, mọi người đều công nhận rằng ông đã để lại một gia tài âm nhạc thật đồ sộ  có giá trị cao, người có  công khám phá một hình thức mới mẽ cho thế hệ sau noi bước. Bach và Haydel  là những bậc kỳ tài trong lãnh vực âm nhạc, họ đã khép lối của một kỷ nguyên âm nhạc cũ xưa, nhưng đến khi Haydn xuất hiện thì chính ông là ngườI đã  mở cánh cửa mới đi vào một kỷ nguyên âm nhạc mới.

Linh Phương
Houston Tháng Tư Năm 2005