Nhạc Sĩ Linh Phương
Từ vài năm qua, nữ nhạc sĩ Linh Phương, trước mùa hè năm 2004, chị cư ngụ tại Orlando Florida, Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất những CD độc tấu dương cầm qua những ca khúc nổi tiếng Việt Nam. Tiếng đàn dương cầm của một nữ nhạc sĩ vừa có tài đàn, lại có tài soạn hòa âm cho tất cả những bài bản trình tấu. Hơn thế nữa, chị lại có tài năng sáng tác cả nhạc lẫn lời, và phổ nhạc những bài thơ chọn lọc. Chị Linh Phương có quen với tôi từ lúc học âm nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, nhưng chị đi chuyên khoa piano. Sau một thời gian gần 40 năm, tôi gặp lại chị Linh Phương tại Atlanta trong một chương trình văn nghệ vào năm 1994, và chị là trưởng ban nhạc để đệm cho Bạch Yến hát. Sau đó, tôi có đến Orlando và đã gặp chị tại đấy, và chúng tôi cùng đi thăm thành phố do chị hướng dẫn. Lúc đó, chị chưa nghĩ tới việc sản xuất băng và dĩa nhạc.
Năm 1997, chị có gởi cho tôi một CD đầu tiên với tiếng đàn độc tấu dương cầm . Năm 2000, chị gởi cho tôi thêm hai CD với tiếng hát Huyền Châu, ca sĩ ở Canada cùng với một tập dạy đàn dương cầm cho những bản tân nhạc nổi tiếng.
Chị Linh Phương rất thích mưa, cho nên những tựa CD của chị đều mang chữ “Mưa” như “Mưa Lệ” (CD đầu tiên), “Mưa Tình” (CD thứ nhì), “Mưa Tương Tư” (CD thứ ba). Cả ba CD đều được chị độc tấu dương cầm. Năm 2001, có hai CD khác với tựa “Mưa Giao Mùa,” và “Mưa Dĩ Vãng.”
Giọng hát của chị Huyền Châu trầm ấm đã diễn đạt những ca khúc nổi tiếng như “Cho em quên tuổi ngọc” của Lam Phương bằng tiếng Việt và Pháp. Bản này nhạc sĩ Lam Phương viết tặng Bạch Yến khi anh sang định cư ở Paris và Bạch Yến là người hát bài này đầu tiên được thu vào dĩa CD “Bạch Yến/Souvenir.”
Năm 1994, Linh Phương phổ nhạc bài thơ “Yêu Trăng” của Hà Bỉnh Trung, một loại thơ ngũ ngôn. Huyền Châu ca thêm những bản “Dạ Khúc” nhạc Schubert, (lời Việt Phạm Duy), “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” (Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh), “Mắt Buồn” nhạc và lời Linh Phương, và “Tình Khúc Thứ Nhất” nhạc Vũ Thành An, (thơ Nguyễn Đình Toàn)
Nữ nhạc sĩ Linh Phương độc tấu 6 bài “Bâng Khuâng” (Nhạc của Nguyễn Túc), “Trở Về Bến Mơ” (Ngọc Bích), “Mưa” (Văn Phụng), “Còn Gọi Tên Nhau,” (Trường Sa), “Mưa Chiều Kỷ Niệm” (Duy Vân và Quốc Kỳ) và “Gửi Về Anh” (Đỗ Thu).
Cuộc gặp gỡ giữa Huyền Châu và Linh Phương đã tạo điều kiện thích hợp cho cả đôi bên để thực hiện một CD đặc biệt, đi ngoài xu hướng hiện tại của giới làm nhạc Việt Nam ở hải ngoại.
Linh Phương đã cố gắng mang lại cho trẻ em Việt Nam những bản nhạc “để đời” như “Hương Xưa” (Cung Tiến), “Nửa Hồn Thương Đau” (Phạm Đình Chương), “Bao Giờ Biết Tương Tư” (Phạm Duy/Ngọc Chánh), “Tiếng Dương Cầm” (Văn Phụng), “Chiều Tím” (Đan Thọ), “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” (Phạm Duy/Ngọc Chánh), “Chừng Như Sóng Vỗ Mơ Hồ” (Vy Hùng), “Thuyền Trăng” (Nhật Bằng).
Tất cả các bản này đều do Linh Phương soạn hòa âm cho piano in thành sách, đồng thời có kèm theo một cuốn băng để cho người học có thể nghe và tập đàn theo. Việc làm này hiếm có trong giới nhạc Việt, và tôi rất hoan nghinh chị Linh Phương đã thực hiện một việc mà ít có ai nghĩ đến. Lúc trước, khoảng thập niên 80, anh Võ Tá Hân có soạn hoà cho guitar và cho piano với những bản in ra trên giấy, nhưng không có băng nhạc kèm theo.
Trần Quang Hải
Paris