NGY. UYÊN GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP “CUNG ĐÀN MUÔN ĐIỆU -1” – TÁC GIẢ: GIÁO SƯ ÂM NHẠC LINH PHƯƠNG SẼ RA MẮT TRONG MỘT NGÀY GẦN ĐÂY!

Thưa quí vị:
Tuyển Tập “Cung Đàn Muôn Điệu  1” với  ấn bản mới nhất nay có  trang bìa đã được cải tiến về hình thức thật đẹp mắt do  Vũ Long Giang phụ trách.  Tuy nhiên,  điều đáng nói đến là bên trong có một nội dung với các nhạc phẩm hoàn toàn mới mẻ. Quí vị sẽ nhận thấy rằng không có quyển sách nhạc nào đã được xuất bản trước đây có một nội dung như Tuyển tập nói trên.
Trước hết:  Linh Phương, giáo sư dương cầm đã có trên 45 năm trong bề dày và chiều dài của kinh nghiệm sư phạm chuyên khoa về bộ môn đàn dương cầm.  Chính Giáo sư Linh Phương đã  soạn và viết ra.  Trong Tuyển Tập này, soạn giả đã trải qua nhiều thì giờ để viết ra  về số ngón tay hợp lý cho ngón của bàn tay mặt cũng như số ngón tay cho  phần đệm nhạc tay trái một cách giản dị qua những bản nhạc Việt Nam.
Thứ Hai: Trong các Tuyển Tập “Cung Đàn Muôn Điệu 1, 2,3, 4”   có một số nhạc phẩm cùng tựa, nhưng  đã được Giáo sư Linh Phương soạn cho hai trình độ:  Một bản đệm giản dị,  và bản thứ nhì đệm  khó hơn một chút để người tập đàn biết sự khác biệt cho phần đệm nhạc tay trái.
Thứ Ba:  Ngoài các  nhạc phẩm nổi tiếng một thời mà quí vị yêu thích và nhớ giai điệu. Quí vị còn tìm thấy trong Tuyển Tập “Cung Đàn Muôn Điệu”  có những điểm đặc biệt mà những sách nhạc khác không có:
  • Lời  (Lyric): Bản nhạc ngoài hai dòng cho dương cầm còn có lời nhạc giúp cho người đàn theo dõi lời hoặc vừa đàn vừa hát để  luyện giọng  luôn.
  • Thể điệu  (Rythm):  Tác giả soạn cách đệm theo điệu nhạc cho đúng như: Valse,  Slow  hay Bolero v.v…
  • Mỗi một thể điệu (Rythm)  Ví dụ như điệu Valse có nhiều cách đệm(accompaniment) :  Valse Lento – Valse Rock – Valse Luân vũ v.v…
  • Slow thì có Ballad –  Slow Rock – Slow Surf – Slow 6/8.
  • Cha Cha thì có Cha Cha Rock, Cha Cha Surf  v.v…

Thế cho nên người tập đàn phải nghiên cứu điệu nhạc sao cho đúng tinh thần bài nhạc mà nhạc sĩ đã sáng tác.

  • Số ngón  (Fingering) đặt cho đúng thì khi các bạn đàn sẽ làm cho nét nhạc êm ái, và tùy theo bài nhạc mạnh mẽ hay đàn nhanh, ngón tay đàn đúng ngón khiến cho người nghe tiếng đàn không bị lép nốt hay rời rạc không êm.  Có những nhạc phẩm với thể điệu mạnh mẽ thì bạn phải dùng ngón đúng ngón tay thì tạo  một sắc thái sống động, mạnh tạo hiệu quả cho bài nhạc như ngón cái (1), ngón giữa (3), luyến láy (2 và 3 hoặc 4 và 5).
Vì thế, người tập đàn dương cầm phải đàn cho đúng ngón từ bước  căn bản, trải qua năm tháng khi các bạn quen tay và có thói quen tự tạo ngón đàn tuyệt diệu để các bạn đàn nhạc Việt mỗi ngày nhuần nhuyển hơn.
Sau cùng, những nốt và dòng nhạc trong các Tuyển Tập này đã được chính Giáo sư Linh Phương soạn thật công phu và viết ra trên computer cẩn thận  để bảo đảm sự chính xác của các dòng nhạc trong mỗi nhạc phẩm mà các nhạc sĩ đã sáng tác. Trong các Tuyển Tập sẽ được xuất bản sau này, nội dung sẽ có những nhạc phẩm được soạn với trình độ nâng cao hơn để giúp quí vị yêu nhạc yêu đàn dương cầm có những giờ tập luyện thích thú hơn.
Nay trang trọng giới thiệu cùng quí vị yêu nhạc Tuyển Tập “Cung Đàn Muôn Điệu” có một hình thức mới mẻ với nội dung đặc sắc và hữu ích dành cho các bạn yêu nhạc và yêu đàn dương cầm…
Houston Hè 2013
Ngy. Uyên
LỜI NÓI ĐẦU
Thưa quí vị và các bạn yêu nhạc:
Từ hơn một thập niên qua,  Tuyển Tập “Cung Đàn Muôn Điệu I,  II và III”  của Linh Phương đã được ấn hành và xuất bản…  Soạn giả đã nhận được sự đáp ứng đầy yêu mến của quí đồng hương, từ các bạn tự luyện đàn dương cầm qua những nhạc phẩm Việt Nam bất hủ. Linh Phương chân thành cảm tạ quí vị và các bạn.
Mặc dù các quyển sách nhạc nói trên có một trang bìa với hình thức đơn giản.  Tuy nhiên,  Linh Phương đã nhận được nhiều khích lệ nồng nhiệt khi quí vị chiếu cố đến nội dung với  phẩm chất cao qua những dòng nhạc do chính Linh Phương soạn và viết ra thật công phu với tất cả tâm huyết  là muốn cống hiến cho các bạn yêu nhạc tập luyện đàn dương cầm một tài liệu thích hợp và hữu ích.
Linh Phương ao ước rằng quí vị và các bạn sẽ tìm ra được niềm vui trong tinh thần.  Các bạn yêu mến đàn dương cầm sau nhiều thời gian tập luyện rồi sẽ tự tạo âm thanh cho riêng mình để mỗi khi đôi tay bạn lướt trên phím ngà thì  các bạn sẽ thấy tâm hồn mình tươi mát hơn. Đối với những vị vào tuổi trung niên thích và muốn đàn một bản nhạc Việt mình yêu thích, dù trước đây chỉ biết sơ sài về nốt nhạc thì quyển “Cung Đàn Muôn Điệu”  là một tài liệu có cần để tập luyện trên phím đàn dương cầm.   Cũng có một số quí vị đã từng học qua nhạc lý khi còn ngồi dưới mái nhà trường cấp Trung Học thì quyển sách này sẽ giúp cho quí vị được hiểu nhiều thêm trong lãnh vực luyện tập đàn dương cầm.
Sau hết, Linh Phương chân thành cảm tạ các nhạc sĩ tiền bối đã viết lên những tác phẩm bất hủ.  Linh Phương chỉ muốn làm công việc trang điểm những nhạc Việt qua dòng nhạc trên phím đàn dương cầm.  Hơn thế nữa, nguyện vọng của Linh Phương là làm công việc giữ gìn nhạc Việt, và mong mỏi cho nhạc Việt Nam mãi mãi tồn tại theo năm tháng.
Chúc quí vị và các bạn yêu nhạc yêu đàn  thành công và yêu mến đàn dương cầm như người bạn tri kỷ của mình
Mong lắm thay!
Houston Mùa Hè  Rực Nắng 2013.
Linh Phương