Nghệ Sĩ và Nỗi Đau Âm Thầm
Linh Phương
(Viết để tưởng nhớ cố ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh Nhật Trường)
Khi tôi nghe trên làn sóng phát thanh loan tin về ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đang hôn mê ở bệnh viện về bệnh ung thư phổi, tôi đã cầu nguyện cho anh được chóng bình phục, nhưng không còn kịp nữa, vì bản tin chiều hôm ấy loan báo rằng anh đã ra đi rồi. Sau đó, các ca sĩ đã trình bày những nhạc phẩm của anh trong chương trình ca nhạc đặc biệt qua các chương trình phát thanh Việt ngữ đã làm tôi bùi ngùi nhớ lại về những ngày xưa cũ như khúc phim quay chậm trở về quê nhà trước năm 1975 như đã in hằn trong tiềm thức của tôi. Tôi nghĩ rằng những nhạc phẩm của anh đã được người Việt mình yêu mến, đã được phổ biến khắp nơi trên đất nước từ thành thị đến thôn quê hoặc tại những tiền đồn heo hút xa xăm, đâu đâu cũng có tiếng ca, dòng nhạc của anh.
Hơn thế nữa, nhạc của anh đã được yêu cầu hát nhiều lần. Những bài hát của anh đã được chép tay và truyền khẩu giữa vòng các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những người yêu lính mến lính. Và không người nào mà không biết nhạc phẩm của anh, vì anh viết rất dễ thương và xác thực về đời sống cùng những tâm tư của người lính Hải Lục Không Quân, binh chủng Mũ Ðỏ hoặc người yêu hay em gái hậu phương, chứng tỏ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có vốn sống, có tài soạn nhạc, cộng với tâm hồn nhạy cảm săn sóc đứa con tinh thần của mình chu đáo, nên nhạc của anh đẹp và hay là vậy.
Hôm nay, tôi viết bài này để nhớ đến anh, một ca nhạc sĩ có tâm hồn mà còn là người bạn trong địa hạt âm nhạc mà tôi đã từng cộng tác với anh. Nhạc phẩm đầu tiên của anh mà tôi được biết ấy là vào thập niên 60 do Hoàng Oanh ca trên đài Phát thanh Quốc gia Sài gòn là bài “Bảy Ngày Ðợi Mong” mà sau này khi ra hải ngoạI, tôi thấy có một quyển nhạc đã ghi tên tác giả trong nhạc phẩm nói trên của Trần Thiện Thanh là Nguyễn Vũ làm tôi thật ngạc nhiên và bất bình về sự cầm nhầm tên tác giả một cách ẩu tả như thế.
Một số nhạc phẩm khác của anh như: “Xin Em Ðừng Hỏi,” “Một Ðời Yêu Anh,” “Chân Trời Tím,” “Yêu,” “Lâu Ðài Tình Ái” đầy tính lãng mạn được các thiếu nữ mơ mộng thời đó như tôi đón nghe trên đài phát thanh, hay đàn hát trong trường hoặc sinh hoạt tiệc tùng thường đem ra tập hát. Những nhạc phẩm kể trên anh đã viết với thể điệu Boston, hay chậm gọi là Slow Rock dịu êm, nhẹ nhàng, tha thiết, dặn dò, tâm sự. Dỗi hờn khi người yêu không đến như “Bảy Ngày Ðợi Mong,” trách yêu như “Khi Người Yêu Tôi Khóc,” nũng nịu như trong “Biển Mặn” khi người con gái nói: “bảo yêu anh em muốn chuyện đôi mình, như mầu xanh biển tình trong ngày trời xanh rất xanh,” nghe thật là tình tứ lãng mạn mà mỗi khi nghe, tôi lại không thể nào không xúc động dường như bức tranh đang ở trước mặt mình vậy.
Một số nhạc phẩm do anh hát giọng chính trong chương trình trên đài phát thanh hay truyền hình còn có các ca sĩ Quỳnh Giao, Mai Hương và Như Thủy, (cô em gái của anh) ca bè, phụ họa rất khéo, phần hòa âm tuy giản dị, nhưng làm nền nhiều âm sắc cho người nghe cảm nhận nét đẹp trong nhạc phẩm. Anh rất nghiêm túc trong việc tập dượt cẩn thận làm sao cho đạt được tinh thần của bài hát thì anh mới hài lòng. Anh có tinh thần kỷ luật cao và nghiêm khắc với chính mình, nên anh thành công nhiều. Những nhạc phẩm kể trên anh đã viết với điệu Boston hay điệu chậm Slow Rock hoặc Bolero nghe nhẹ nhàng, rất duyên dáng và sang trọng như “Khi Người Yêu Tôi Khóc” do ca sĩ Minh Hiếu diễn tả.
Rất tiếc, sau năm 1975, vào những năm 1980-90 và cả sau này nữa, dòng nhạc thanh tú của anh đã bị các con buôn văn nghệ đổi ra thể điệu nhanh, mạnh, đốp chát như Rumba Pop, Rock, Bebop, Cha Cha Cha hay Newwave hoặc Disco đã làm mất hết tinh thần bản nhạc mà có lần anh nói gọn: “Ðứa con tinh thần của mình bị bóp méo hết, can không nỗi.” Thêm nữa, sau này họ đã sử dụng nhạc của anh, nhưng họ lại đã thay đổi lời hát bằng một số lời biến chế tiếu lâm, tục tỉu chạy theo thời thượng để bán CD hay diễn khắp nơi một cách thiếu lương tâm mà ở Việt Nam hiện tại một số người đang làm. Ðiều đó làm anh không thích.
Một số bài như “Từ Ðó Em Buồn,” Trên Ðỉnh Mùa Ðông,” “Mùa Ðông Của Anh,” “Hoa Nở Về Ðêm,” Chuyến Ði Về Sáng,” “Ðám Cưới Ðầu Xuân,” “Tạ Từ Trong Ðêm” v.v… cũng được các ca sĩ nổi danh thời trước như Minh Hiếu, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Lan, Giao Linh … ít nhiều đều có hát các nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh. Một số bài khác anh đã phổ nhạc từ thơ của các thi sĩ, đan cử một vài bài như “Dành Cho Em Ðó,” “Nổi Lòng Thanh Trúc,” “Tâm Sự Mộng Cầm.” Nhạc phẩm được nhiều người yêu thích là bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang” của thi sĩ Tô Thùy Yên đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc trình bày trên các làn sóng phát thanh, sân khấu cùng truyền hình đến nay hơn ba mươi năm mà ngày nay nhạc phẩm này vẫn còn được yêu cầu và quý chuộng.
Tên tuổi Trần thiện Thanh càng lên cao như diều khi anh chuyên viết về chủ đề Lính. Dòng nhạc sáng tác của anh rất phong phú về đời sống gian khổ, hành quân băng rừng lội suối của Lính rất hợp với khung cảnh đất nước trong cơn binh lửa khắp nơi, đi sát với tâm tình của người Lính, an ủi rất nhiều đến tinh thần các chiến sĩ khắp mọi miền đất nước, mà những năm tôi đi đàn ủy lạo các anh chiến sĩ khắp bốn vùng Chiến thuật, tôi biết rằng các nhạc phẩm ấy đã được yêu cầu hát rất nhiều. Tâm trạng ưu tư, nhớ nhung, lo lắng, hờn dỗi của những em gái hậu phương yêu lính rất trữ tình cũng được anh soạn như bài “Người Yêu Của Lính,” “Anh Về Với Em,” “Không Bao Giờ Ngăn Cách,” “Ðôi Ngả Ðôi Ta,” “Chuyện Tình Người Ðan Áo,” mà những năm sau này tôi ít nghe hát lại trong các sinh hoạt có liên quan tới Lính.
Những nhạc phẩm của anh dễ đi vào lòng của các chiến sĩ như “Biển Mặn,” “Rừng Lá Thấp,” “Ðầu Xuân Lính Chúc,” “Ðồn Vắng Chiều Xuân,” “16 Trăng Tròn.” Nhạc phẩm “Tình Thư của Lính” mà Trần Thiện Thanh đã sáng tác trong các đêm đi ứng chiến tại Biệt Khu Thủ Ðô sau vụ Việt cọng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nội dung kể chuyện người lính đã viết thư thăm người yêu trên chiếc ba lô nên nét chữ không ngay, tuy lời mộc mạc mà thật ý nghĩa, chân thành. Anh cũng viết những bài nhiều xúc động cho binh chủng Mũ Ðỏ như “Người Ở Lại Charlie,” “Anh Không Chết Ðâu Anh,” “Góa Phụ Ngây Thơ.” Năm 2000, tại Hoa kỳ anh đã sáng tác nhạc phẩm “Gọi Tên Anh” để vinh danh các tướng lãnh đã tuẩn tiết và những chiến sĩ vô danh đã hi sinh trên chiến trường họ là các anh hùng vị quốc vong thân.
Ngoài tài năng soạn nhạc, anh còn là một ca sĩ có làn hơi dài và mạnh, giọng ca cao (tenor), vài bài nhạc anh sáng tạo và hát diễn chung với Thanh Lan trong những màn ca cảnh trên truyền hình đã gây xúc cảm cho người xem, tên tuổi của anh sáng chói trong nền ca nhạc miền Nam Việt Nam thời đó. Sau này anh đã hát song đôi với người đẹp Mỹ Lan, người vợ trẻ của anh, không những chị có tài ca hát, nhưng chị đã săn sóc chồng khi anh Trần Thiện Thanh bệnh, rất mực đảm đang việc nhà mà chị còn là bà bầu liên lạc với các ban tổ chức của các Hội đoàn mỗi khi anh đi show xa tiểu bang tại Hoa kỳ.
Nhắc lại sau năm 1975, anh ẩn nhẫn, âm thầm đi hát luôn luôn với nụ cười tươi trên môi khi anh ra chào khán giả để hát, anh biết tạo câu chuyện vui trước khi hát đã làm khán thính giả thoải mái, anh có phong cách trình diễn tự tin dù trong hội trường lớn hay các tụ điểm ca nhạc nhỏ bé nhan nhản khắp thành phố, mà thời gian đó cuộc sống của anh thật khốn khổ đầy nghiệt ngã, nhưng vẫn toả ra sáng chói khi anh trên sân khấu.
Tôi nhớ lại anh đã sáng tác và trình diễn nhiều lần bài “Cho Anh Xin Số Nhà,” anh cũng hát những bài của tác giả khác như bài “Con Cua Ðá,” bài “Con Ếch Xanh” của xứ Nam Dương có thể nhạc vui tươi, và anh nói dí dõm đẻ tạo không khí vui nhộn, tiếng cuời vang lẫn tiếng vổ tay của khán giả muốn vở cả hội trường. Gương mặt anh khi hát trông rạng rỡ như sống trong giây phút của một nghệ sĩ hiến cho đờI, niềm vui còn lại là giây phút đứng hát trước khán giả như chia xẻ nỗi niềm cùng một tâm trạng cảnh ngộ với đồng bào như tạo niềm tin, thêm một chút an ủi qua nghệ thuật. Anh hát và diễn với tất cả tâm hồn đúng phong cách của một nghệ sĩ mà nào có ai biết đâu rằng anh đang gậm nhấm và nuốt đi những đau đớn trong lặng câm khi anh và gia đình đang trong cảnh sống cơ cực thiếu thốn vào những năm ấy. Anh phải trải qua nhiều nỗi đau thương, vì bạo quyền Cộng sản đã giết người thân trong gia đình anh. Anh đã nói với tôi như thế trong lần tâm sự ở Florida khi tôi tổ chức cho anh và Mỹ Lan về hát tại Orlando.
Năm 2000, tôi tổ chức show tại Orlando, Florida để Nhật Trường và Mỹ Lan đến trình diễn. Tại phi trường, tôi đã gặp lại anh và Mỹ Lan. Anh vẫn với nụ cười tươi, hiền hoà, sau đó, gương mặt anh thật trầm lắng suy tư. Ở bên anh, nếu không có Mỹ Lan săn sóc thì không biết anh sẽ ra sao. Mỹ Lan nói rằng anh bị bệnh tiểu đường nặng, nên hai chân của anh sưng lên, khi đứng lâu trên sân khấu sẽ rất tê, có đôi khi anh không bước đi nỗi phải nhờ vợ dìu bước. Mỹ Lan phải cho anh uống hay tiêm thuốc cho anh thường xuyên đúng theo toa bác sĩ. Lần đi sang Florida trình diễn, vì anh phải chờ và đổi chuyến bay lâu nên mệt mỏi, khi anh nằm trên giường trong khi đợi Mỹ Lan tiêm thuốc, anh đã chỉ cho tôi xem hai bắp chân sưng xanh của anh cần phải xoa nắn cho máu chạy đều, và vợ anh phảI bóp chân cho anh khá lâu, anh mới có thể đứng lên đi qua lại được.
Ðêm đó, khi anh xuất hiện trên sân khấu, với nụ cười thật tươi trên môi, anh hát rất khỏe, liên tiếp 6 nhạc phẩm, vậy mà khán thính giả còn muốn yêu cầu anh hát thêm. Tôi thấy anh mệt nên nói Mỹ Lan hát vài bài cho anh nghỉ. Chương trình do anh sắp xếp khi thì đơn ca, khi thì song ca với Mỹ Lan những bài hát nổi tiếng về tình yêu trong thập niên 60. Mỹ Lan và anh đã hát bài “Chiếc Áo Bà Ba” do anh viết sau nầy lồng vào vài câu vọng cổ để anh ca rất hay và tình tự mà Mỹ Lan đã chỉ dẫn cho anh. Anh còn hát một nhạc phẩm do anh sáng tác để vinh danh các vị tướng Việt Nam tuẫn tiết thật cảm động. Bài “Màu Áo Anh, Màu Mũ Em Vui Tươi,” hoặc nhạc phẩm “Mỹ Lan” anh viết thật sống động. Ca cảnh “Anh Không Chết đâu Em” với liên khúc ca diễn người lính chiến lúc xếp áo thư sinh lên đường, giả từ người yêu, và đến khi người chồng gục ngả tại chiến trường, góa phụ đã khóc bên nấm mộ người chồng. Tất cả đã đưọc anh chị trình diễn tuyệt vời, ăn ý, chương trình liên tục khiến khán giả tại Orlando hoan hô anh và mong chờ sự trở lại của anh và Mỹ Lan.
Sau đêm ấy, anh rất mệt, muốn về nhà nằm nghỉ, nhưng một người bạn có quán ăn nửa khuya mời hai vợ chồng anh đến ăn, anh gật đầu đồng ý. Trong khi chờ dọn thức ăn ra, có một phụ nữ ngồi trong quán đã say sưa, la ó lớn tiếng, rồi bà ta nói lớn một cách thô lỗ:
– “Ê, Nhật Trường phải không? Hồi đó đẹp trai, hát hay, bây giờ hát dỡ và xấu còn đi hát làm gì …”
Ông chồng ngồi đó cũng không can bà vợ, cứ để bà ta la lối lãm nhãm. Tôi nhìn Mỹ Lan, nàng làm ngơ như không nghe thấy, nhưng khi tôi nhìn anh thì anh mĩm cười chua chát và nhẫn nhục trước những lời xúc phạm ấy. Anh chỉ nói gọn: “Biết vậy thì đến làm chi.” Tôi nói với vợ anh, nếu biết chuyện xảy ra như vậy thì tôi không đưa anh chị đến đây đâu, vì quán nhậu nửa đêm không thích hợp cho nghệ sĩ sau một đêm hát. Nhưng tôi nghĩ anh chị đói lại có lời mời của chủ quán nên phải đến đây thôi.
Có ai là nghệ sĩ, sống đời nghệ thuật, vui với cung đàn, ý nhạc mới thấu được tâm trạng sau khi đêm nhạc kết thúc. Nghệ sĩ đã nhả tơ, rút hết tơ tằm dâng cho đời niềm vui tâm hồn, cho mọi khán giả có một buổi tối thoải mái, trút đi những nỗi nhọc nhằn trong ngày. Sau khi đêm trình diễn xong , nghệ sĩ mệt mỏi trở về với đời riêng tư của mình, như con ốc chui vào vỏ, họ cảm thấy cô đơn đến tận cùng, họ cần có người thân yêu để chia xẻ nổi niềm hay tâm sự hầu phục hồi sức khoẻ, phong độ để tiếp tục “nhả tơ” cho việc làm mới, trình diễn mới, cho công việc sáng tác, thu nhạc liên tục, mà “kiếp con tằm” phải trả cho hết đời này. Vì đó là cái nghiệp.
Nhiều nghệ sĩ tài danh Việt Nam đã ra đi và nằm xuống sau khi họ đã hiến cho đời mọi tài năng của mình. Họ đã để lại cho đời những tác phẩm, nay chúng ta cần trân trọng gìn giữ. Nhạc của anh Trần Thiện thanh sẽ mãi được lưu giữ, vì đó là một phần của nền tân nhạc Việt Nam. Anh được mọi người yêu mến. Bao nhiêu người đang tưởng nhớ, vinh danh anh cách đặc biệt, và họ đang viết về sự nghiệp âm nhạc của anh. Riêng tôi sẽ mãi nhớ đến anh mỗi khi nghe lại khúc nhạc hay những lúc tôi đàn những bài của anh. Bài viết này để chân thành ghi nhớ, quý trọng anh.
Anh Trần Thiện Thanh, thuyền anh đã đến bến rồi. Hãy yên vui nơi cõi vĩnh hằng anh nhé!
Nhạc Sĩ Linh Phương
Houston Ngày 17-5-2005