Một Mối Tình Lớn Đẹp Khi Còn Dang Dỡ
Linh Phương
Biên Khảo Lịch Sử Âm Nhạc
Nói về nhạc sĩ nổi danh Chopin, Linh Phương xin kể trước một chuyện vui: Trong bản nhạc đặc sắc “Tiếng Dương Cầm” của cố nhạc sĩ Văn Phụng có nhắc đến tên đại nhạc sĩ Chopin trong một câu ca: “Người ơi ! Còn nhớ CHOPIN ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly…” Những bạn Việt thích hát đâu phải ai cũng biết lịch sử âm nhạc, nên có người đã hát tên ông SÔ PANH (Chopin) theo vần Việt Nam thành ra SÔ PIN !
FREDERICK FRANCOIS CHOPIN (1810-1849)
(http://en.wikipedia.org/wiki/File:Chopin,_by_Wodzinska.JPG)
Frederick Francois Chopin trong thế kỷ thứ 19 đã được mệnh danh là THI SĨ CỦA DƯƠNG CẦM, vì nhạc phẩm của ông đã mang lại những nét thơ mộng cho Phong trào Lãng mạn (Romantism) đang được ưa chuộng trong thời kỳ đó với nhạc cụ Piano. Chopin đã đi vào huyền sử của thế giới âm nhạc, không những chỉ là một nhạc sĩ thiên tài, ông còn là người hùng, một con ngườI vĩ đại của nước Ba Lan đến mức tên tuổi của ông gắn liền với đất nước.
Chopin sinh ngày 1 tháng 3 năm 1810 ở một xóm làng nhỏ Zelazowa về phía Tây thành phố Vacsovie. Cha của ông là người Pháp từ vùng Lorraine sang Ba Lan lập nghiệp và đã chọn nơi này làm quê hương. Chopin có khiếu về âm nhạc từ nhỏ, nhưng mãi đến năm lên bảy mới bắt đầu được học thầy. Chopin được học tại Âm nhạc viện Conservatory of Warsaw mới thành lập. Cậu bé nhạc sĩ thường tìm hiểu nhạc và tập đàn dương cầm; nhiều khi tùy hứng, cậu đã đàn thành bản nhạc riêng của chính mình sáng tác ra. Và thiên tài âm nhạc Chopin mỗi ngày một tiến.
Vào tuổi thanh niên chàng đã tốt nghiệp Viện âm nhạc Varsovie và tiếng tăm Chopin lừng lẫy khắp nơi. Nhạc sĩ đã có dịp được đi trình tấu dương cầm ở trong triều đình Nga hoàng và nhiều nơi khác như Paris (Pháp) London (Anh) và sang Hoa Kỳ. Nhất là ở Pháp, nơi mà ông có nhiều liên hệ tình cảm nhất. CHOPIN YÊU QUÊ HƯƠNG Lần đầu tiên khi rời Warsaw là quê hương, ông đi lập nghiệp ở Pháp, trong buổi tiệc tiển hành do bạn bè tổ chức, Chopin đã không cầm được lệ, và nói rằng sẽ chẳng bao giờ được nhìn lại quê cha đất tổ nữa. Sau đó, ông được tin có cuộc cách mạng lật đổ vua, và ông có linh cảm là gia đình và bạn bè sẽ bị giết. Người ta nhận thấy nỗi buồn cùng cực trong nhạc phẩm Revolutionary của ông.
Ðến Paris năm 1831, Chopin được người bạn đồng hương là Hoàng tử Radziwill giới thiệu với giới quí phái, nhiều nhạc sĩ tiếng tăm như Liszt, Berlioz, Rossini, Mayerbeer, và cả văn sĩ nổi danh như: Victor Hugo, Balzac, Lamartine, George Sand, Alfred de Musset, Alexandre Dumas… Ông thấy đời sống nghệ thuật ở Paris thích hợp với phong trào Lãng mạn mới nổi và được yêu chuộng trong thời gian đó, và những điều ấy đã cho Chopin nhiều hưng phấn trong đời sáng tác nhạc của ông.Ông đã viết nhiếu nhạc phẩm trong cuộc tình duyên tám năm với nữ văn sĩ nổi danh George Sand, một thiếu phụ có đôi mắt huyền, một nữ văn sĩ tài danh thế giới lấy biệt danh là George Sand.
Khi cuộc tình nổi tiếng của hai người bắt đầu, George Sand 34 tuổi, và Chopin 28 tuổi. Tính tình bà Sand nhanh nhẹn và thích chỉ huy người khác, còn Chopin thì ngược lại. Tài sáng tác của ông thật lạ lùng đến chớp nhoáng không cần một cố gắng nào cả. Nhưng có khi ông đóng cửa ở trong phòng hằng ngày để sửa chữa, viết đi viết lại một câu nhạc, và có thể ông đã bỏ ra 6 tuần lể để hoàn tất mới chỉ là bản thảo một trang nhạc do ông viết…
Nhắc lại trong thời gian ở Viện Âm nhạc Vacsovie (1826) Chopin đã quen biết một thiếu nữ đẹp, một ca sĩ cùng trường tên là Konstancja Gladkowska. Nàng vừa đẹp vừa dịu hiền đã gợi hứng cho ông sáng tác nhạc phẩm Adagio trong tập Concerto nổi danh. Chàng thì rất si mê nàng nhưng nàng thì không đáp lại tình yêu của chàng một chút mảy may. Mối tình một chiều đã khiến chàng rất đau khổ, và nỗi đau này đã được thể hiện rõ ràng vào những cung nhạc kỹ thuật trình tấu tuyệt vời. Nhất là trong thời gian Chopin qua Paris, trong những buổi trình diễn dương cầm ở thính phòng Pleyel nghe Chopin đàn, tất cả các nhạc sĩ Pháp đều sững sốt khâm phục. Ngay đến cả nhạc sĩ đại tài đương thời như Liszt cũng phải khen ngợi về cách diễn tả bản nhạc với hai bàn tay điêu luyện bậc thầy của Chopin.
Học phí lớp dạy đàn của Chopin ở Paris là hai mươi quan tiền cho mỗi nhạc sinh mỗi lần. Mỗi ngày ông thường dạy năm lần, vì thế ông đã trở nên giàu có vào khoảng năm ông hai mươi hai tuổi, ông đã có thể dọn đến ở những căn nhà sang trọng (1832). Ông kết bạn với nhiều nhạc sĩ thời danh đại tài như Berlior, Liszt, Mendelsohn và Schumann.
Một người tài hoa phong nhã bề ngoài nhưng bề trong thể chất của Chopin thật yếu đuối. Cứ vào mỗi mùa đông là Chopin hay bị cảm cúm nằm liệt giường, vắng bóng nhiều ngày đến nỗi có người đồn rằng ông đã chết. Vào thời điểm này Chopin quen với gia đình họ Wodzinsk. Cô con gái tên Maria đã được nhạc sĩ chú ý và muốn xin cưới nàng, nhưng gia đình thấy Chopin vóc dáng yếu đuối quá nên cũng không muốn gả con gái cho chàng. Thế nhưng rồi năng đi lại với thiện ý xây dựng, Maria cũng có ít nhiều cảm tình với nhạc sĩ tài ba Chopin nên ông bà Wodzinski đã chấp nhận cho đôi trẻ đính hôn.
Tuy nhiên, cuộc đời tình ái Chopin không phải được dễ dàng trót lọt như ý muốn. Những lời đồn đại của thiên hạ về cuộc tình lén lút của bạn chàng là nhạc sĩ Frank Liszt với nữ công tước Marie d’Agoult; cũng như chuyện của chính Chopin với bà Pleyel đã khiến ông phải mang tai tiếng không ít. Bà Pleyel là quả phụ của nhà làm đàn Piano danh tiếng. Danh hiệu Pleyel không những nổi tiếng ở Pháp mà còn ở khắp các Châu Âu. Ðàn làm ở hãng Pleyl không những chắc chắn lâu bền trên trăm năm. Họ nuôi cây gỗ quí được trồng trên 30 mươi năm. Các dây đàn giăng bén, khi đàn, các búa gọt dũa khéo léo, đánh vào các dây chính xác mà còn chống lại theo thời tiết không bị chùng dây theo thời gian, đàn đẹp về nước nhuộm cùng vóc dáng sang trọng đẹp đẽ vì thế đã được nhiều hoàng gia quí phái hay gia đình sang trọng đặt mua. Và không ngạc nhiên, Chopin được bà Pleyel ngưỡng mộ tài năng nên đã tặng cho ông một cây đàn quí có phím là những phím ngà. Cây đàn này, ngoài võ là gỗ quí giá còn bọc thêm chút vàng mạ chung quanh nhạc cụ khiến nhạc sĩ yêu quí cây đàn, trình tấu dương cầm bất cứ nơi đâu trên sân khấu Pháp hay ra nước ngoài cũng chở đàn theo, kể cả những năm Chopin ra ngoài đảo Majorca nước Tây Ban Nha; luôn luôn cây đàn Pleyel cũng bên cạnh nhạc sĩ, và chính cây đàn Pleyel này, ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm bất tử danh tiếng đến nay vẫn còn yêu mến cho những người học tập đàn Piano.
Dù sau thì định mệnh đã an bài cho Chopin. Việc phải đến đã đến. Trong những buổi trình diễn nhạc ở nhiều nơi sang trọng, Chopin đã gặp một phụ nữ của định mệnh, một nữ sĩ Pháp tài hoa từ đây sẽ làm đảo lộn cuộc đời ông. Tên người ấy là George Sand. George Sand tên con gái là Aurore Dupin, nàng lớn hơn Chopin sáu tuổi, nàng sinh năm 1804, lấy chồng năm mười tám, có hai con, một trai tên Maurice và gái là Solange. Chồng bà tên Casimir Dudevant là một gã đàn ông tẻ nhạt, độc đoán, không bao giờ chiều chuộng và để ý đến ngườI vợ trẻ. Gia đình này có một dinh cơ lớn như một lâu đài ở miền Nohant vùng Berry cách Paris khoảng hai trăm bốn mươi cây số. Aurore đã cố gắng chìu chuộng chồng, nhịn nhục; có khi nàng đang đàn dương cầm cũng phải ngưng ngay nếu chồng yêu cầu…
Sau chín năm chịu đựng, một ngày đẹp trời nàng Aurore đã nổi loạn và bỏ nhà lên Paris năm 1831 nàng hai mươi bảy tuổi. Tại đây và bắt đầu thời điểm này, bà Dudevant trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng với bút hiệu George Sand. Tuy những tiểu thuyết và vở kịch do bà soạn có phần bị lu mờ vì tên tuổi sáng chói của những văn sĩ đương thời như Victor Hugo, Balzac, Lamartine và Stendaht, tuy nhiên, bà cũng được rất nhiều độc giả ái mộ. George Sand là bạn rất thân với nhạc sĩ Liszt, và những người tình của ông ta; nhất là nữ công tước Marie d’Agoult. Vào mùa thu năm 1863, George Sand đã đến dự buổi dạ hội của nữ công tước và nàng đã gặp Chopin ở đó. Buổi đầu gặp gỡ chỉ là bạn bè không để lại gì sâu đậm. Chopin nhìn thấy nữ văn sĩ này với trang phục quần chẽn bó sát, miệng thì ngậm điếu xì gà… Chopin hâm mộ nữ sĩ này về những tư tưởng phóng khoáng cùng cử chỉ tự nhiên của nàng, và George Sang nhận ra Chopin là một người nhợt nhạt yếu đuối, lúc nào cũng quàng khăn quanh cổ càng thấy rõ sự tiều tụy của nhạc sĩ. Lúc đầu, George giữ vẻ lạnh lùng thản nhiên không tỏ ra có tình ý gì với Chopin.
Tuy nhiên, đến mùa xuân 1837 khi George Sand mời Chopin và Liszt cùng Marie d’Agoult xuống chơi miền Nohant thì Chopin đã từ chối, vì lúc đó chàng có mối tương giao với gia đình hôn thê Marie Wodzinski đã không được tốt đẹp lắm, nay nếu giao du với một phụ nữ tiếng tăm quá lớn như George Sand thì cuộc hôn nhân của chàng không thể thành được mà phần đổ vỡ có phần chắc thôi. Thời gian này, nữ sĩ George Sand đã chính thức ly thân với chồng và nàng được tự do để đi tìm mục đích riêng của nàng. Nay Chopin đã cảm thấy quyến luyến với nữ sĩ lắm rồi thì tình cảm của George Sand cũng đã ngã về chàng Chopin một nhạc sĩ tài hoa. Mặc dù nàng hiện vẫn còn lăng nhăng tình ái với một vài nghệ sĩ vô danh và nay nàng thấy chỉ có Chopin là đối tượng mà nàng phải chinh phục bằng được.
Ðến mùa hè 1838, sau những dịp tấu nhạc ở trong triều đình vua Pháp vào tháng Hai và ở Roven vào tháng Ba, Chopin bắt đầu đi lại với George Sand nhiều hơn. Lúc đó chàng đã bị gia đình Wodzinski từ hôn rồi. Nay đối với Sand, chàng cảm thấy nàng là người duy nhất mà chàng có thề bày tỏ hết được nỗi lòng yêu say đắm mà từ lâu chàng ấp ủ thầm kín…
Chẳng bao lâu, những lời đồn đại về cuộc tình giữa Chopin và George Sand lan rộng khiến hai người cảm thấy khó chịu về những lời đàm tiếu ác ý của thiên hạ, họ muốn bỏ đi xa tìm một nơi tự do hơn đế chung sống trong tình yêu. Thật là một dịp may đã đến với họ. Nguyên do là người tình lúc đó của Sand bắn Felicieu Mallefille nghe biết Chopin và Sand đã yêu nhau, anh liền nổI ghen và bắn tin sẽ thách nhạc sĩ Chopin đấu súng. Hơn thế nữa, nhân dịp con trai của George bị đau thấp khớp cần phải đi đến vùng nóng ấm để chữa bệnh, Sand bèn đưa hai con xuống miền Nam trước, Chopin ở lại sắp xếp công việc đi sau. Chàng thu thập tất cả các tác phẩm nhạc gồm có 17 bài đã sáng tác xong trong bộ hai mươi bốn bản Prelude. Chopin bán cho nhà xuất bản Fontana và vay trước một số tiền hai ngàn quan đề ra đi. Ông tìm đến nơi ước hẹn gặp Sand ở Perpignan vùng núi Pyrenes, rồi cùng người yêu đi Barcelona, đến tỉnh Palam trên đảo Majorca thuộc nước Tây Ban Nha. Không lâu họ nhận biết người dân trên đảo không thích người lạ. Ðời sống ở đây từ trước bình thản, người địa phương kẻ làm rượu chát, người trồng nho, kẻ đóng thùng gỗ, người làm tại hầm mỏ đồng hoặc khai thác đá hoa cương, họ sống nghèo nàn nhưng hiếm thấy có khách lạ đến đảo. Vì thế, Chopin và Sand đã phải sống độc lập không giao du với ai…
Họ thuê lại một căn phòng trên tầng hai của tiệm đóng thùng gỗ đựng rượu. Mỗi ngày đôi tai ho chịu nghe tiếng đóng thùng cứ vang lên đều đều khác hẵn cảnh trí sang trọng ở Paris. Tuy nhiên, đôi tình nhân đã thấy mình thực sự được tự do vùi mình trong lạc thú yêu đương. Chopin cảm thấy yêu Sand say mê, cuồng nhiệt đến độ ghen tuông, còn Sand thì kể lại rằng chỉ yêu Chopin với mối tình chân thật dịu dàng không cuồng si điên dại. Ít lâu sau, họ tìm được một ngôi nhà riêng ở ngôi làng gần Palma nên dọn nhà ra đó. Khí hậu chỗ này thật ấm áp, tuy trời đã vào tháng 11, mà thời tiết vẫn như mùa hè như ở Paris. Vì thế sức khỏe của Chopin cũng khả quan hơn trước. Mỗi ngày chàng đã cùng người yêu và hai con tập đi bộ về đồng quê thở không khí trong lành, rồi có hôm họ đã mạo hiễm lên tận đỉnh dốc núi ngắm cảnh biển cả mênh mông.
Từ mấy năm qua, sức khỏe của Chopin vẫn hay trồi sụt, mùa hè thì có vẻ khỏe khoắn, nhưng về mùa đông thì suy nhược đáng lo ngại. Lúc sau này triệu chứng bệnh hoạn của nhạc sĩ như muốn bộc phát. Trong một buổi đi chơi núi trở về giữa đường, gặp gió biển lạnh chợt tới thấm lồng ngực khiến Chopin ngả bệnh, phổi bị viêm nặng mà từ đây khởi điểm là bệnh lao (thời đó bệnh này vô phương cứu chữa, em gái Chopin đã chết vì bệnh này). Trong mùa mưa, trời đông lạnh, nhà ở bị dột, nước mưa tràn ngập; một lò sưởi đốt than khói lên dày đặc không đủ ấm căn nhà. Bệnh ho càng ngày càng nặng, George Sand càng lo lắng, chủ nhà đòi nhà lại và đòi bồi thường tiền tẩy uế. Đôi tình nhân lại phải lo việc dọn nhà đến một tu viện bỏ hoang vùng Valdamosa ở tạm. George Sand vừa viết truyện, vừa dạy các con học, vừa phải chăm sóc người yêu. Về phần Chopin dù đau yếu nhưng ông cũng vẫn soạn nhạc rất đều. Những bài Preludes và nhất là bài Polonaise cung C thứ là những tác phẩm để đời về sau đã được soạn trong thời kỳ này. Ðặc biệt nhất là bản Etude cung E trưởng mà người sành nghe nhạc không thể không biết tác phẩm bất hủ Tristesse của Chopin được viết trong một ngày mưa gió.
Lúc ấy, George Sand để Chopin một mình trong tu viện hoang vắng. Phần đầu bản nhạc rất êm ái và buồn man mác, phần hai tiểu đoạn diễn tả sự kinh hãi của tiếng sấm chớp của mưa gió lạnh lùng. Và đoạn cuối tấu pháp Chopin đã thể hiện một cách tài tình qua nét nhạc sáng hẵn và tâm hồn trở lại bình tĩnh vì bước chân người yêu trở về… Vì nhận thấy dân trên đảo không có lòng hiếu khách nếu không nói là lạnh lùng ghét bỏ. Ðôi tình nhân đã quyết định hết mùa mưa là họ sẽ trở về Paris. Thực không may, trong cuộc hành trình từ Valdemosa về Palma đường đi thật xấu, và xe rất xốc khiến Chopin bị thổ huyết. Rồi chuyến đi tàu biển từ Majorca về Barcelona lại càng tệ hại hơn. Chopin bị say sóng càng bệnh thêm trong người mất sắc như sắp chết. Ðến Barcelona, họ được chuyển qua tàu Pháp và được săn sóc thuốc men khá hơn, họ trở về Marseilles và Chopin dần dần cũng phục hồi sức khỏe. Tháng 5 1839, Chopin và Sand đã ghé thăm tỉnh Genoa (phía bắc Ý Ðại Lợi), nơi mà sáu năm trước đây Sand đã cùng với người tình cũ là thi sĩ Alfred de Musset hưởng những ngày ân ái. Sau đó Chopin và Sand đi trở về Nohant.
Qua mùa hè, nhạc sĩ lại chán cảnh đồng quê và muốn trở về Paris. Bạn của ông là nhà xuất bản Julier Fontana đã lo thu xếp một căn nhà riêng cho họ. Chopin và Sand sẽ ở riêng biệt, bên ngoài thĩ họ muốn tỏ cho thiên hạ biết họ chỉ là hai cộng tác viên trong lãnh vực văn nghệ chứ không phải là nhân tình. Tại Paris, gia đình Chopin sống hạnh phúc. Solange đi học và ở trong nộI trú, cuối tuần mới về nhà. Maurice vì có khiếu nghệ thuật thích hội họa nên đã được họa sĩ tài danh Delacrois truyền dạy kỹ thuật, Chopin mở lớp dạy nhạc và George Sand soạn kịch. Hè 1840, Sand và người yêu ở lại Paris không về Nohant nghỉ ngơi, vì nàng bận cho trình diễn vở kịch Cosima ở nhà hát Comedic Francais. Về phần Chopin, ông không soạn được một bản nhạc nào. Mãi đến mùa đông 1841, ông mới hoàn thành được bản Polonaise cung F thứ và bản March Funebre. Cũng trong năm 1841, mối liên hệ của Chopin với Sand có vẻ bền chặt hơn, nên hai người đã quyết định sống chung trong cùng một căn nhà. Cuối năm ấy vào tháng 12, Chopin được vua Pháp Louis Philippe vời vào điện Tuiluries tấu nhạc và ông đã được tưởng thưởng trọng hậu.
Hè 1842, đôi tình nhân trở về Nohant nghỉ dưỡng sức, và lấn này có cả họa sĩ Delacrois đi theo. Tháng 11 họ trở về Paris, và dọn đến một căn nhà mới rộng lớn tạikhu Cite d’Orleans, nơi mà Chopin sẽ ở đến hết đời vào tháng 6 năm 1849. Mùa hè 1845, có chuyện bất hòa giữa Maurice và Chopin. Lúc ấy, Maurice đã lớn không muốn mẹ mình gắn bó với Chopin, con gái xinh đẹp của Sand là Solange thì cũng có sự thương mến Chopin; và George Sand thì có sự rạn nứt tình cảm với Chopin, và khác nhau chính kiến. Sand yêu dân chủ tự do cho nước Pháp, Chopin thì tôn trọng bảo hoàng. George Sand đứng về phía con trai chống lại Chopin khiến cuộc tình không thể hàn gắn được, nên có một ngày Sand nói với Chopin một câu nhẹ nhàng nhưng nặng ngàn cân là nàng muốn dọn ra ngoài đã làm cho Chopin đau khổ đến chết. Cuộc tình duyên này kéo dài 8 năm đi từ yêu thương đến chống đối nhau, từ ghen tuông đến hận thù. Hai người đã từ giã nhau trong đau thương ! Trong sự đau khổ này Chopin đã sáng tác nhiều nhạc phẩm thể hiện sự khổ đau bàng bạc trong các tác phẩm ấy. Về sau, sức khỏe của ông càng ngày càng yếu kém. Nhạc sĩ Liszt bạn ông kể rằng Chopin thường nói là khi ông làm đổ vỡ cuộc tình duyên này, ông đã làm đổ vỡ chính đời của ông !…
Năm 1847 là năm được coi như cuộc tình lớn, tuyệt đẹp của hai khuôn mặt văn nghệ lớn George Sand và Frederic Chopin . George dọn ra ở riêng. Năm 1848, Chopin gặp lại Sand lần cuối vào tháng Ba chỉ để trao đồi chuyện vui đùa mà không cố gắng chắp vá lại cuộc tình dang dỡ. George vẫn thường theo dõi qua bà con, bạn bè để biết tin Chopin, còn Chopin ngàn đời chẳng thể nào quên được người tình diễm tuyệt George Sand. Ðến cuối đời, Chopin đã nằm trên giường bệnh ở Paris (Pháp). Người chị và một đệ tử và cũng là bạn thân nhất Guttmann, luôn luôn ở bên cạnh ông, vì biết ông không còn sống được bao lâu nữa. Một hôm bá tước phu nhân Delphine Potocka, một người bạn chuyên hát nhạc dân ca nghe tin ông bệnh nặng liền tới thăm ông. Bà vừa tới thì ông yêu cầu bà hát cho ông nghe.
Ðại nhạc sĩ Liszt kể lại: “Ai có thể từ chối lời yêu cầu của người hấp hối ? Chiếc đàn dương cầm được đẩy tới buồng bệnh nhân. Bà ấy đã ca với những tiếng nức nỡ, qua những dòng nước mắt chẩy xuống đôi má.” Chopin nói: “Bà hát hay quá ! Hát nữa đi !” Tuy xúc động, nữ Bá tước đã chìu theo ý muốn cuối cùng của bạn, ngồi lại vào đàn, và ca thêm một bản nhạc của Marcello. Chopin mỗi lúc càng yếu thêm. Ai nấy có mặt đều quì xuống với niềm lo sợ Thần Chết kề cận bên ông. Không ai nói một lời. Trong bầu không khí yên lặng trang nghiêm đó, người ta chỉ nghe thấy tiếng hát của ca sĩ bay bổng trên cao như từ thiên đường xuống với những tiếng nức nở thở dài như là bè nhạc đệm cho đám tang duới hạ giới. Ông nhấp chút rượu vang do đệ tử Guttmann đưa ly kề vào môi ông và thều thào nói: “Bạn quí ơi !…” Chopin trút hơi thở cuối cùng lúc hai giờ sáng …… năm 1849 hưởng thọ 39 tuổi. Tang lễ được cử hành trang trọng, rất nhiều nghệ sĩ và giới quí phái tiển đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ước muốn của Chopin là đem trái tim trở về chôn ở Ba Lan, còn thân xác nằm ở Paris. Chàng đã giữ một lọn tóc của George ép vào trang chót cuốn nhật ký đẫm lệ cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.
*** Những năm trước đây, người viết đã đến khu phố sinh viên Quartier Latin nơi ở của Chopin và George Sand trong căn phòng mà giờ đây là nơi lưu niệm âm thầm, căn phòng bên có Văn sĩ Victor Hugo trú ngụ, các vật dụng như sách, bút, chén trà, tập nhạc, bản thảo v.v… một thời bay lên không gian làm diễm tuyệt cho thế giới nằm yên đó theo thời gian. Người viết ngậm ngùi và cảm kích ngưỡng mộ các danh nhân khi nhìn nét viết nhạc bằng tay của Chopin, của George Sand, và được xem bức tranh của danh họa người Pháp Barrias đã họa bức tranh diễn tả phút lâm chung của Chopin được trưng bày trong cuộc triển lãm Paris năm 1889 và được đoạt giải Huy chương Vàng. Hai tâm hồn văn nghệ lớn không còn gặp nhau nữa, nhưng một mối tình lãng mạn, lớn đẹp vẫn còn mãi trong văn nhạc cho đến ngày nay, mổi khi ta nghe tấu nhạc Chopin.
Linh Phương