Linh Phương Sau Một Chặng Đường Dài Trong Âm Nhạc
Sau 20 năm sống ở Orlando, Florida và đã tạo được một chỗ đứng cao trong những sinh hoạt văn nghệ tại thành phố miền biển này, Linh Phương đã dời về Houston vào năm 2004. Lý do của việc thay đổi chỗ ở rất giản dị, vì chị muốn mở rộng sự quen biết và học hỏi ở một nơi có đông người Việt cư ngụ. Hơn nữa, Houston không cách xa Dallas mấy, nên việc đi lại với người con duy nhất của chị cũng thuận tiện.
Ngoài ra, từ lúc về sống ở Houston, Linh Phương đã quay về với đời sống tâm linh một cách tích cực hơn, một phần có lẽ vì nguyên nhân tuổi tác như chị nói: “Lớn tuổi rồi nên cũng quay về với tâm linh, về đức tin tôn giáo mạnh hơn. Thành ra sáng tác cũng như soạn lời Việt cho những nhạc phẩm được nhiều hơn. Chẳng hạn như bài “My Way” là một nhạc phẩm tôi rất yêu thích.”
Nhạc phẩm “My Way” rất nổi tiếng và từng được Paul Anka soạn lời Anh từ nhạc phẩm bất hủ “Comme DHabitude” của Claude Francois. Trước đó nhạc phẩm này đã được nhiều người soạn lời Việt, và là một nhạc phẩm tiêu biểu trong số nhiều nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng do chị viết lời Việt với nội dung hướng về tâm linh theo con đường tôn giáo Tin Lành của mình.
Không những chị soạn lời Việt từ những nhạc phẩm ngoại quốc, mà nhạc phẩm “Lối Về Xóm Nhỏ” nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng được Linh Phương soạn lại lời ca cho phù hợp với khuynh hướng tâm linh mà chị đang theo đuổi hiện nay, và cũng là một khuynh hướng đang phát triển rất mạnh ở Houston. Gặp được một môi trường thuận tiện như vậy Linh Phương cảm thấy rất thoải mái về tinh thần để dồn hết tâm hồn vào việc soạn lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc, mà tổng số đã lên tới hơn 60 bài, rất được tín hữu Tin Lành ưa thích. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chị quay lưng hẳn lại với nhạc “đời.”
Ngoài hàng chục nhạc phẩm được sáng tác trước đó, chị đã viết thêm một số ca khúc tình cảm mà phần lớn rơi vào chủ đề tình yêu dang dở – như bài “Xa Nhau” – tương tự như cuộc sống tình cảm của chị. Ngoài ra, Linh Phương còn phổ nhạc từ thơ của nhiều thi sĩ nổi tiếng, như của thi sĩ Hà Huyền Chi với bài “Hàn Băng” hay “Chén Tương Phùng,” v.v…
Lúc còn ở Orlando, Linh Phương đã đến với tâm linh nhưng vì còn quá bề bộn với công việc cũng như con cái nên tâm hồn chị chưa được lắng đọng như hiện nay.
Gia đình Linh Phương là một gia đình thuần Công giáo, thân phụ chị sau khi từ Pháp về vào giữa thập niên 60 đã được mời giữ vai trò giám đốc một trường nhạc rất nổi tiếng ở Sài Gòn, Cecilia, do linh mục Hoàng Yến sáng lập. Thời kỳ còn ở Việt Nam, Linh Phương từng sáng tác một số Thánh ca. Gần đây chị mới chuyển đức tin của mình theo Giáo hội Lutheran Tin Lành Việt Nam.
Linh Phương họ Lê, sinh trưởng ở Cà Mau. Gia đình chị cư ngụ ở rạch Cái Bốn. Linh Phương thích âm nhạc từ khi còn rất nhỏ, chị bước vào thế giới diệu kỳ này từ khi mới lên 4 với cây đàn violin. Sau đó chị lại say mê đàn piano nên được huấn luyện để thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn; Và cô bé 8 tuổi họ Lê đã đậu hạng 3 trong cuộc thi này trên tổng số mười thí sinh được tuyển chọn.
Từ năm 11 tuổi, Linh Phương đã được thân phụ dạy Nhạc lý, Nhạc pháp và piano. Trong khi đó, ở trường chị học về nhạc cổ điển Tây phương, nhạc kịch, nhạc sử, nhạc ngữ… Ngoài ra, chị còn được học về sáng tác, soạn hòa âm cho ban nhạc.
Trong khi theo học ở Quốc Gia Âm Nhạc, Linh Phương đã bắt đầu làm quen với lãnh vực sáng tác khi hoàn tất nhạc phẩm “Mơ,” viết cho piano nhân dịp Trung thu trong thời gian sinh hoạt trong ca đoàn Gió Khơi của nhạc sĩ Hùng Lân vào năm 1959. Đến gần nửa thế kỷ sau, Linh Phương vẫn còn hài lòng với tác phẩm đầu tay của mình.
Năm 1967, Linh Phương tốt nghiệp khoá 1 Viện Quốc Gia Âm Nhạc. Sau đó, chị tiếp tục học hỏi với nhiều giáo sư âm nhạc quốc tế có dịp sang Việt Nam giảng dạy. Không lâu sau khi tốt nghiệp, Linh Phương được mời cộng tác với nhiều chương trình trên đài phát thanh quân đội cũng như Sài Gòn, như chương trình ủy lạo chiến sĩ, chương trình Nguyễn Hữu Thiết hay Tao Đàn của Đinh Hùng (đệm thơ Tao Đàn). Từ năm những 76-79, Linh Phương là nhạc sĩ Việt duy nhất đã được chọn để trình tấu tại thính đường Tổng Lãnh Sự Pháp tại Sài Gòn.
Linh Phương còn là người hoạt động rất tích cực trong những sinh hoạt ca đoàn của nhiều giáo xứ tại Sài Gòn. Chị từng đảm nhiệm vai trò ca đoàn trưởng trong một thời gian cho Vương Cung Thánh Đường, nhà thờ Tân Sa Châu, Chợ Đũi, Huyện Sĩ, Tân Định, Đắc Lộ, v.v…
Một kỷ niệm Linh Phương cho rằng khó có thể quên nhất là khi được cố nghệ sĩ Năm Châu mời đệm đàn piano cho một đoạn của vở cải lương Sân Khấu Về Khuya. Và tiếng đàn của Linh Phương đã gây được rất nhiều xúc động với nhạc phẩm Serenade trong đoạn Thành Được chia tay với Thanh Nga… Cũng từ kỷ niệm đó, Linh Phương cho biết chị sẽ thực hiện một album độc tấu piano với những điệu nhạc dân gian đặc thù của Việt Nam.
Không những chỉ mình thân phụ chị là một tay vĩ cầm lão luyện, mà thân mẫu chị cũng là một nghệ sĩ đàn tranh rất giỏi. Do đó, Linh Phương ngoài phần được huấn luyện về âm nhạc Tây phương còn có khả năng sáng tác nhạc dân tộc theo ngũ cung. Nhưng cuối cùng, piano vẫn là người bạn thân thiết nhất của chị trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc, trong khi mấy người em chị chuyên về violin nhưng không theo nghề. Do đó, trong những sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại, người ta luôn hình dung ra một Linh Phương ngồi trước cây đàn dương cầm quen thuộc. Và chính từ những phím đàn đó, Linh Phương đã gửi đến người nghe những âm thanh tạo được rất nhiều xúc cảm qua những CD do chị thực hiện từ năm 1990. Tổng cộng đến nay đã có trên 20 album được phát hành, với những chủ đề về mưa như: Mưa Tình, Mưa Lệ, Mưa Dĩ Vãng, Mưa Tương Tư, Mưa Giao Mùa hay Mưa Hoàng Hôn. Gần đây nhất, trong năm 2006, Linh Phương đã cho phát hành 3 album độc tấu piano khác là album Thánh ca “Nguồn Yêu Thương,” một album gồm những nhạc phẩm trữ tình Á Châu và album “Nhớ Về Miền Trung,” gồm những bài liên quan đến miền Trung của nhiều tác giả. Thêm vào đó, Linh Phương còn gửi đến người nghe một CD tự truyện liên quan đến cuộc sống tình cảm của mình, trong đó chị “luôn luôn là kẻ bị phụ tình,” như lời Linh Phương tâm sự.
Không những chỉ là một nhạc sĩ dương cầm, một nhạc sĩ sáng tác và một giáo sư âm nhạc, Linh Phương còn có khả năng viết truyện ngắn và hồi ký cũng như biên khảo, đặc biệt là những bài viết liên quan đến những nhạc sư dương cầm quốc tế. Riêng trong vai trò nhạc sĩ sáng tác, chị đã thực hiện 2 tập nhạc “Mây Sóng” (gồm những nhạc phẩm do chị phổ từ thơ ) và “Tình Ca 1.” Linh Phương còn soạn nhiều sách giáo khoa dạy độc tấu dương cầm dưới tên “Cung Đàn Muôn Điệu” cùng nhiều bản nhạc rời dạy độc tấu dương cầm cho trình độ cao.
Linh Phương rời Việt Nam vào năm 1985, sang cư ngụ ở Orlando, tiểu bang Florida. Tại đây chị đã dạy nhạc, ngoài những sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng người Việt. Vài năm sau đó, chị muốn thay đổi không khí nên đã sang Toronto, Canada sống một năm, nhưng không chịu nổi thời tiết lạnh lẽo ở đây nên đã quay trở lại vùng đất ấm áp Orlando. Từ đó trở đi, Linh Phương đã say mê hoạt động văn nghệ. Rất nhiều người đã ghi tên theo học nhạc với chị, trong số đó có Dalena trong thời kỳ chập chững đi hát khi đang làm thu ngân ở khu giải trí Disney World. Nhờ được sự ủng hộ của nhiều người có khả năng văn nghệ tại địa phương, chị đã đứng ra thành lập được hai ban nhạc lấy tên là “Đêm Đô Thị” và “Tình Thương” qui tụ nhiều anh chị em yêu thích nghệ thuật mà hai anh em Hoài Linh và Dương Triệu Vũ từng có thời gian sinh hoạt trước khi trở thành những tên tuổi được nhiều người biết tới. Cách đây 4, 5 năm, Linh Phương đã nhập thành nhóm chung, lấy tên “Về Nguồn” hoạt động trong các bộ môn như ca, vũ, nhạc, kịch, v.v… để phục vụ cộng đồng người Việt ở Orlando. Với “Về Nguồn,” Linh Phương ngoài việc hướng dẫn về ca nhạc, còn đảm trách luôn cả phần viết kịch, nhạc cảnh và dạy múa. “Mình đã hết nửa đời người rồi, làm được gì thì cứ làm là thấy vui,” Linh Phương đã tâm sự như thế. Chị tự ví mình như một người làm vườn khi gieo hạt giống để kỳ vọng nhiều ở những người đi sau.
Trong thời gian cư ngụ ở Orlando, Linh Phương đã đoạt năm giải giáo sư âm nhạc xuất sắc nhất tại tiểu bang Florida (1988, 1990, 1992, 1994, 1995). Vào năm 1999, Linh Phương đã có dịp phô diễn khả năng về dương cầm của mình tại một số quốc gia Âu Châu như Pháp, Anh, Ý, Đức, v.v… với những kết quả rất đáng khích lê. Đặc biệt, Linh Phương đã được tổ chức International Biographic Center thuộc viện đại học Cambridge, trao tặng Huy chương Danh dự dành cho một trong 2000 nhạc sĩ xuất sắc của thế kỷ XX (2000 Oustanding Musicians Of The 20th Century) vào ngày 7-9-2001 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Đây là huy chương dành cho những nhạc sĩ, ngoài phần tài nghệ, còn có một quá trình dấn thân trong xã hội cùng với những thành quả về những hoạt động văn nghệ. Tất cả những vinh dự trên là những phần thưởng quý giá nhất cho Linh Phương, một người luôn tận tụy với âm nhạc, với mục đích truyền lại cho những người đi sau những nét đẹp của nghệ thuật.
Giờ đây, sinh hoạt hàng ngày của Linh Phương tại Houston là những sinh hoạt đều đặn và rất thoải mái cùng với một chương trình âm nhạc hàng tuần do chị phụ trách trên đài phát thanh Saigon-Houston Radio. Về âm nhạc, chị mở những lớp hướng dẫn về hát, hát bè và nhạc lý theo từng trình độ. Chị còn hướng dẫn cả về kỹ thuật cũng như soạn nhạc.
Trường Kỳ