Giọt Hồng Sương Trên Thềm Ðịa Ngục (Kỳ 4 và Hết)
Linh Phương
Tôi nói: “Tôi không có liên hệ gì hết với anh nầy…” Vừa nói đến đó, tên Quản giáo đứng sau lưng đá vào thân tôi làm tôi ngã xuống; anh ấy chạy lại đở tôi lên thì bị tên Quản giáo dùng cây ma trắc đánh tới tấp lên đầu, trên lưng anh làm anh té xuống. Anh lấy hai tay ôm đầu và nói: “Cán bộ, cán bộ, tôi không có “quan hệ” gì hết.” Tên Quản giáo nói: “Có đứa khai báo mầy đã liên hệ các phòng, liên lạc giùm cho nó. Mày còn cung cấp giấy viết cho nó là mục đích gì? Mày còn phạm tội ăn cắp tài sản của trại đem cho nó trong khu nầy ai cũng biết mà còn ngoan cố chối cãi hở?” Tôi xen lời: “Cán bộ nói không có bằng cớ, tôi không hề nhờ anh này liên hệ với ai, mà cũng không nhờ anh cung cấp gì hết, mà anh cũng không đem gì hết cho tôi.” “Thế sao có lần mày xin thuốc đỏ để làm gì? Để viết truyền đơn hả?” Hắn ta hỏi. Tôi nói: “Tôi bị vết thương làm độc sau lần đi “làm việc” về, anh là lao động thì chuyện y tế trong trại là đương nhiên huống hồ cán bộ Đủ đã xét.” Tên trưởng khu phóng tia mắt về anh bạn tù và hỏi: “Ngoài cái tội ăn cắp hoa anh còn liên hệ đến việc gì khác? Trước đây anh cải tạo tốt nên cho anh lao động, bây giờ anh đã phạm nội qui trầm trọng, phá hoại sự an ninh trong trại. Anh muốn cấu kết tuyên truyền phản động làm loạn trong trại nầy à. Chà,Thiếu tá Cảnh sát muốn cấu kết với nữ nhạc sĩ làm chuyện phản động à?”
Giờ đây, tôi mới biết anh là Thiếu tá Cảnh sát thì sự lo ngại cho anh càng tăng lên. Tôi lo cho tôi thì ít mà cho anh thì nhiều, vì sau khi họ đưa những bằng cớ anh liên hệ với các tù nhân ở các khu khác. Nhưng anh chối một mực nói không có; vì thế, họ càng điên tiết. Họ lôi anh đi ra ngoài. Tên Quản giáo kia lôi từ ngăn kéo ra mãnh giấy mà tôi nhớ đã cho chị Tuyết lúc chị ta bị bắt về tội biển thủ công qũy Nhà nước vào tạm trong biệt giam chung với tôi vài ngày. Tôi viết bản nhạc trên bao giấy thăm nuôi đó và xếp lại giấu đi để định khi ra tù tôi sẽ viết lại. Có một đêm, chị Tuyết vì lạnh, chị ta xin tôi chút giấy để hút thuốc. Tôi cho chị ấy giấy để quấn thuốc, chị ta còn xin tôi cả bao để khi chuyển phòng chị sẽ có giấy mà quấn hút. Tôi thương chị vì mới vào tù không quen thiếu thốn, và san xẻ với chị. Đâu ngờ ngày hôm nay nó nằm trên bàn giấy của họ. Khi họ hỏi tôi, tôi trả lời trong lúc đi tắm nắng lượm được trong sân giấy viết chứ không ai cung cấp. Sau đó, họ buộc tội tôi có liên lạc các phòng khu bên cạnh với các tên Y, C, và B, và bắt tôi ký giấy thú tội. Tôi vẫn một mực không ký. Tên Trưởng khu im lặng ký tờ giấy đưa cho tên Quản giáo và ra lệnh đưa tôi ra ngoài. Hắn đưa tôi về phòng biệt giam rồi còng tay chân bảo tôi ngồi đó. Lúc ấy là vào giờ cơm chiều. Loa phóng thanh trong nhà tù thông báo tin tức: “Tên phản động Trần Thanh Tánh, Thiếu tá Ngụy đã không thành khẩn khai báo mà còn ngoan cố phạm nội qui của trại. Thi hành lệnh của Trưởng khu chiếu theo mười hai điều nội qui của nhà nước và mười bốn điều nội qui của trại, nay hình phạt cách ly ba mươi sáu ngày không được miễn chế.” “Tên Lê Linh Phương đã cấu kết với tên phản động Trần Thanh Tánh liên hệ với các cải tạo viên phá hoại an ninh trong trại. Chiếu theo nội qui của nhà nước và của trại, nay thi hành lệnh phạt cách ly hai mươi hai ngày miễn chế. Lệnh nầy thi hành ngày hôm nay.”
Tôi nghe tiếng xầm xì phòng bên cạnh. Có tiếng gõ vào tường tưng tưng hỏi của các thầy và họ trách sao tôi đã tin người để xảy ra cớ sự. Tôi mệt mỏi với tâm trạng buông trôi. Đã cùi rồi thì đâu còn sợ lỡ gì nữa! Đến đâu thì đến, tôi đã sẵn sàng; nên khi tên cán bộ đưa tôi vào phòng tối cách ly tôi xem thường mà thôi. Lần nầy tôi bị treo tay chân đứng theo lối khỉ để máu bị động, dưới đất mùi phân nước tiểu xông lên nồng nặc. Tôi bị đứng theo lối đó không biết bao lâu, lòng thầm cầu xin cho anh Tánh có can đảm và sức khoẻ qua các hình phạt. Riêng tôi thì biết sức mình đã yếu, vì qua những trận đòn vừa qua, lại thêm vết thương bị chuột cắn nay đã nhức nhối mà không được chữa trị nay lại càng thêm đau đớn vô cùng. Tai tôi ù, gương mặt đã thấy nặng, đầu óc thì căng thẳng, mắt thì mờ đi không thấy gì hết, cả thân hình đong đưa và tôi ngất đi lúc nào không biết…
Khi tỉnh dậy, chân không đứng vững nên người cứ ngả tới trước, cổ họng tôi đắng và môi khô, tôi thật khát nước. Có tiếng mở cửa tò vò bên cạnh để đưa cơm, tôi biết có người kế bên cũng bị cách ly như tôi. Tên cán bộ mở cửa tháo dây treo tay chân, tôi té ngồi đờ đẩn một lúc. Hắn đưa ca cơm rồi đóng sầm cửa ra đi. Rồi sự im lặng bao trùm suốt đêm. Tôi thiền để lấy sức, cố quên cơn đau nhức đang hành hạ và cả người bị sốt, tôi thầm cầu nguyện xin Ơn Trên cho tôi qua khỏi cảnh ngộ đau thương này. Tôi nhận thức rằng trong hoàn cảnh tận cùng dướI đáy địa ngục có thật này trong ngục tối Cọng sàn thì chỉ có sức mạnh tâm linh mới đưa tôi vươn lên khỏi sự tuyệt vọng này.
Sáng ngày hôm sau, cửa xà lim mở. Tên cán bộ đưa đôi kính mắt của tôi, xong hắn bảo tôi mang vào. Tôi ngạc nhiên, thông thường, họ rất ghét những người mang kính. Họ cho rằng người mang kính không phải vì yếu mắt mà là thuộc thành phần “trí thức không đáng một cục phân” theo lối suy nghĩ ngu đần do tên Mao Chủ tịch tuyên bố như thế! Theo sau tên cán bộ này lại có hai tên lính kèm đi sau, hắn mở cửa xà-lim kêu các tù nhân nam ra ngoài, già có, trẻ có. Có người râu tóc dài ra, tất cả thất thểu tụ trước cửa xà lim tôi. Hắn nói: “Các người bị cách ly đã lâu ngày, cần tập thể dục cho khỏe, vậy thì hãy biểu diễn màn thể dục theo kiểu Ngụy xem nào!” Tôi thấy vài người quơ tay chân yếu xìu, đứng không vững, cứ chúi xuống trước.
Thình lình! Tôi thấy tên lính đến gần một tù nhân già nhất bắt ông tụt áo quần ra, và tên cán bộ ra lệnh cho những người còn lại phải bỏ áo quần và trần truồng đứng nhảy mà họ gọi là tập thể dục trước mặt tôi. Tôi quay mặt đi và khóc ngất cảm thương cho các anh ấy, chúng muốn làm nhục tôi cho tôi sờn lòng… Lòng tôi xót xa vì hình ảnh đau thương, sự cắn răng chịu đựng của các người đó làm tôi cảm phục và khi bọn chúng cất tiếng cười hô hố đầy tính thú vật thì chỉ càng làm tôi thêm căm hờn bọn chúng thêm hơn!
Viết đến đây lòng tôi thầm mong cho những tù nhân ngày trước đã trải qua cảnh ngộ đó tại T.30, nếu có vị nào đọc những giòng nầy thì xin hiểu cho lòng tôi. Bởi vì tôi chỉ muốn nói lên cho mọi người biết đến cái dã man khốn nạn của Cọng sản, bọn chúng đã thành con thú mang mặt người. Riêng tôi vẫn không thể nào quên được buổi sáng đau thương đó, trong tôi vẫn còn nỗi uất hận bọn chúng. Bởi thế cho nên giờ đây dù đã ở trên xứ người đã lâu, có biết bao nhiêu thú vui cám dỗ để thụ hưởng nhan nhản chung quanh tôi, nhưng trong tôi đâu còn lòng dạ nào để vui chơi theo lối sống thác loạn trong xã hội mới này.
Sau thời gian cách ly, tôi được lệnh chuyển từ T.30 Chí Hòa về Sở Công an Thành phố để bị ăn “bánh hỏi thịt quay” vài lần, và từ đó tôi bặt tin về anh Tánh. Nay đã gần hai thập niên đi qua rồi. Mỗi khi mùa Thu về thì lòng tôi vẫn nhớ về ký ức xưa cũ ở T.30, đỉnh cao chất ngất của đau thương, đọa đày, oan nghiệt mà giấy mực nào có thể tả hết. Anh Tánh ơi! Nếu anh có đọc được những giòng chữ này thì Phong Linh (cái tên của Linh Phương do anh đặt) luôn mong cho anh được phục hồi sức khỏe, anh tìm được hạnh phúc bên mái ấm gia đình để bù lại những ngày tháng đau thương trong chốn ngục tối. Vì tại bên thềm địa ngục Cọng sản có thật đó, anh đã xả thân giúp cho Phong Linh trong những ngày, giờ, phút khốn khổ… Mỗi một mùa thu trở về thì Phong Linh cũng thường tưởng nhớ đến phong cách giàu lòng nhân của anh. Anh mãi mãi là điểm sáng trong lòng Phong Linh, vì anh đã cho Phong Linh biết được hai chữ Tình Người như là những Giọt Hồng Sương Bên Thềm Ðịa Ngục tăm tối Cọng sản.
Xin tạ ơn anh. Xin cảm tạ Thượng Đế Yêu Thương.
Hết