Giọt Hồng Sương Trên Thềm Ðịa Ngục – Kỳ 3
Linh Phương
Nói xong anh tụt xuống và chạy nhanh trong bóng đêm mất hút. Tinh thần tôi bị chấn động, tôi tự hỏi với cách nào mà anh ấy leo lên tầng lầu ba để liều tặng tôi hoa hồng mà không sợ cán bộ? Ở đâu mà anh ấy có hoa hồng tươi như thế? Tôi lo sợ rằng đến sáng khi cán bộ mở cửa phòng để kiểm soát, và lòng phân vân không biết giải quyết thế nào đây, thôi thì tôi phải nhai và nuốt cả cành hoa hồng, kẻo họ phát giác ra chuyện thì rắc rối to…
Đến trưa, lúc đi chia cơm, anh bạn tù lao động ấy cứ nhìn tôi cười hoài mà còn làm bộ gải đầu, dụi mắt. Ý nói có người nhắn tin. Tôi cứ làm như không biết mà trong lòng rối beng, không biết người ấy còn có hành động gì nữa đây? Lòng thầm mong là anh ta phải ớn nội qui trong trại mà đừng làm gì nữa. Nhưng khi đêm về, anh ấy lại rút trong áo ra một hoa hồng nữa. Lần nầy tôi bình tĩnh hơn nên nói: “Anh đừng làm như vậy nữa, kẻo nó thấy là ăn đạn đó!” Anh nói:“Anh lấy hoa hồng trong vườn của Trưởng khu để tặng em. Em đừng lo, họ không thấy đâu, vì ống máng xối nầy rất chắc chắn. Mấy ngày trước anh đã tìm cách làm bể mấy cái đèn ở đây rồi,” vừa nói anh còn ôm máng xối đu qua đu lại và còn cười cười làm tôi run. Tôi giục: “Anh hãy xuống đi!” Anh nói: “Ngày mai anh sẽ gởi giấy để em viết thư cho anh. Tôi nói: “Thôi, không được đâu!” Anh nói: “Tù như cùi rồi không sợ lỡ nữa!” Vừa nói anh vừa làm một nụ hôn gió nữa. Xong rồi anh theo máng xối để tụt xuống đất dông mất.
Tôi vừa phập phòng lo sợ mà vừa buồn cười, trong lòng tôi lo lắng nếu các bạn tù bên phòng tập thể thấy rồi báo cáo thì chết. Đến gần sáng, tôi soạn lại bổn cũ là nhai nuốt thêm một hoa hồng nữa. Trưa hôm ấy, phòng biệt giam kế cận gõ và hỏi: “Đêm qua làm gì mà nghe sột soạt thế?” Tôi đành nói dối: “Đêm qua nóng quá không ngủ được, lại mấy con dơi động ổ hay sao mà cứ bay suốt đêm làm nhức cả đầu.” Tiếng bên buồng bên trái có tiếng nói: “Hãy cẫn thận, tai vách mạch rừng đó… tội nầy họ gán chưa xong lại chồng thêm tội khác thì khó về với các con.”
Khi nghe các bạn tù nhắc đến các con, lòng tôi chợt nao nao xót xa, vì từ ngày bị bọn Cọng sản bắt đi đến nay đã hơn một năm rồi, nhưng tôi chưa được gặp mặt các con nhỏ, không biết các con tôi sống như thế nào? Khi bọn Cọng sản đọc lệnh bắt tôi về tội “phản cách mạng,” họ đã lục soát và tịch thu sạch sành sanh các vật dụng trong nhà, đến sách vở tài liệu, các công trình về âm nhạc mà tôi đã dày công nghiên cứu và biên soạn. Trong nhà tù, họ đã dụ dỗ và khai thác tình cảm lòng mẫu tử, chúng nói rằng nếu tôi thành khẩn khai báo hay tố giác những ai trong tổ chức thì tôi sẽ được gặp mặt con và tôi sẽ được cứu xét để ra tù sớm. Tôi không tin những điều họ hứa, vì khi tôi bị bắt họ đã nói: “yên tâm đi, chính quyền cách mạng rất sáng suốt, nếu chị không chống phá cách mạng thì sau ba ngày chị sẽ về với các con của chị.” Thế mà bây giờ đã hơn một năm rồi họ vẫn còn giam cầm tôi và kêu đi “làm việc.” Tôi đã bị họ tra khảo đủ điều thì làm sao tôi tin được lờI của bọn chúng. Khi Cọng sản tra hỏi tù nhân có làm việc đó hay không? Nếu ta trả lời “Không, Không,” thì đối với bọn chúng đấy có nghĩa là đôi khi “Có” và những câu trả lời của ta sẽ bị họ vặn vẹo, suy diễn theo đầu óc đặc sệt của họ với các lý luận ngu đần …
Sau này khi trở về, ra ngoài với các con, tôi mới biết rằng các con tôi đã khổ đến bậc nào! Cậu con lớn phải tìm công việc nuôi các em bằng cách nhặt bao nylon, plastic ngoài đường; cậu em kế phải giúp lặt vặt công việc mua bán ngoài đường chỉ đủ tiền nuôi bốn miệng ăn một bửa trong ngày. Trong nhà thì rỗng không, chẳng còn gì để bán được nữa để mua thực phẩm. Các bạn bè tôi và người thân thì họ sợ bị liên lụy, thế nên, họ xa lánh và trở nên ghẻ lạnh, các con tôi bơ vơ đói khát bệnh hoạn và nhận ra được câu: “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai!” Ôi! Những hình ảnh ấy cho đến giờ này vẫn còn hằn sâu đâm trong trí nhớ chúng, và chúng nó luôn nhắc cho nhau lấy đó làm kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại.
Trở lại câu chuyện, sau sự việc ấy đến mấy ngày sau, tôi không nhìn thấy anh ấy ra làm việc nữa; tôi gợi chuyện với anh tù lao động đưa cơm thì thấy gương mặt anh ta kín như bưng càng làm tôi lo lắng, nhưng tôi cũng đành, không biết làm cách nào dò hỏI thêm. Thường lệ, buổi chiều sau khi đưa cơm thì kẽng đánh báo hiệu để cán bộ đi điểm danh để xét phòng lần cuối trong ngày cũng là lúc cán bộ nghỉ làm việc thì đấy cũng là thời gian các tù nhân tha hồ nói chuyện, liên lạc với phòng bên hoặc làm gì tùy ý trong phòng. Tuy nhiên, lần nầy sau khi điểm danh, cán bộ kêu tôi đi ra ngoài, ra lệnh xét phòng và bảo đi theo họ.
Qua khu G H đến văn phòng mà sau nầy tôi biết đó là phòng làm việc của tên Trưởng khu. Khi bước vào phòng thì hắn ta nhìn tôi chằm chặp và hỏi: “Chị vào đây bao lâu?” “Gần một năm.” Tôi nói. “Chị biết chị có tội gì không?” Hắn ta hỏi. “Cán bộ biết sự việc của tôi như lòng bàn tay thì tôi còn nói gì nữa.” Hắn ta gằn giọng: “Chị là thành phần phản cách mạng, phản động. Nhà nước đưa chị vào là phải thành khẩn khai báo, cải tạo tốt, chấp hành nghiêm túc nội qui của trại chứ không phải vào đây làm loạn chị biết không. Lộn xộn là ông bẻ càng hết!” Tôi im lặng không trả lời hắn. Hắn lại hỏi: “Chị làm nghề gì? Sinh hoạt ra sao?” Tôi cười khẩy và nói: “Cán bộ lại hỏi thừa nữa rồi, cán bộ đã có hồ sơ cầm trên tay, đã biết tôi làm nghề gì, sinh hoạt ra sao ngoài đời thì có ăn nhằm gì trong chốn ngục tù nầy.” Hắn ta nhìn tôi trừng trừng: “Chị biết tôi có quyền giam án chị nếu chị chấp hành không tốt nội qui trong khu trại của tôi.”
Tôi liền nói: “Cán bộ có nói điều nầy thì tôi mới nói. Tôi chưa ra tòa, hồ sơ do Chấp pháp thụ lý. Sự việc của tôi đã lâu, tôi chắc là tôi có tội hay không thì do Sở Nội vụ nắm giữ, còn tôi thì tự xét thấy tôi đã không làm điều gì sai trái vi nội qui cả.” Hắn nói: “Bây giờ, giấy viết đây, chị hãy thành khẩn khai báo thì tôi tạo điều kiện dễ dàng cho chị sớm về với con chị.” Tôi nói: “Tôi không có điều gì để khai báo ở đây! Lòng tôi nung nấu chỉ mong sớm được về với các con tôi mà thôi.” Hắn ta giận dữ nói: “Chị láo khoét che giấu cho chị và cho đồng bọn của chị, chúng tôi đã biết rõ như bàn tay nhưng để xem chị có thành khẩn không, chị quá ngoan cố thì phải dùng biện pháp này.” Nói rồi hắn ta hất hàm, ra dấu cho tên Quản giáo bước vào, hắn ta còn nói thêm khi tên Quản giáo đưa tôi đi ra khỏi phòng: “Chị chống đối chúng tôi không được đâu, cha mẹ ông bà chị còn cãi lại, chứ chúng tôi sắt cũng phải mềm. Thử xem!”
Tên Quản giáo này đưa tôi đi qua các khu ngoằn ngoèo, đi qua những phòng trống, bên ngoài trời đã tối đen. Tôi đi theo hắn một đoạn nữa, nhưng tôi vẫn không thể nhìn ra hướng là dãy nào, khu nào; đến khi hắn đưa tôi xuống thấp một tầng, thì tôi chợt hãi hùng khi nghe tiếng rên la… Ðúng lúc ấy, tên cán bộ dừng lại trước một phòng nhỏ, hắn mở xích sắt và đẩy mạnh tôi vào trong. Tôi kinh khiếp vì nghe chí choé dưới chân mới biết là lũ chuột, tai tôi nghe tiếng nước chảy cùng lúc mùi hôi thối xông lên. Tôi cố bước một bước để tránh lũ chuột thì bị trơn trợt vấp té đành ngồi luôn, mà tôi ngồi cũng không được, vì chân đã chạm nước lạnh.
Tôi sợ hãi cố lấy bình tỉnh căng mắt trong bóng đêm để định hình là mình đang ở đâu? Tôi tự nhủ hay là mình ở dưới đường cống? Vì thường ở dưới cống là có chuột. Tôi định tâm rồi thì ngồi co mà nhắm mắt suy nghĩ để có sự bình tĩnh cho qua chứng nhức đầu. Thế nhưng, lũ chuột này không để cho tôi yên đâu, chúng không sợ người, chúng nó biết thân phận người tù không làm gì được nó, nên chúng bò lên người tôi, chúng cắn vào mấy ngón chân, có con thì chạy vào ống quần, có con thì leo lên tóc. Tôi bực quá vừa la hét vừa quần thảo với chúng. Thét rồi, biết là không xong với chúng, tôi cứ mặc kệ để ỳ ra sao thì ra. Ðến sáng mới biết chân mình chảy máu vì bị chúng nó cắn, trong thân mình bị xây xát, có một con bị chết dẹp nằm kế bên. Tôi mới biết hồi đêm vì bản năng sinh tồn tôi đã vùng vẫy hết sức mình và đá vào chúng. Tôi khóc ngất và thầm cầu xin Chúa trên cao an ủi giúp sức cho tôi trong hoàn cảnh khốn đốn nầy. Giờ đây tôi suy nghĩ không biết có chuyện gì xảy đến cho anh bạn tù đó hay không mà mấy ngày qua tôi không thấy tăm hơi. Tôi nhớ lại thì giờ nầy là lúc đã điểm danh rồi, thì chắc là sẽ đến giờ “làm việc,” linh tính báo cho biết ngày hôm nay sẽ có chuyện.
Khoảng gần trưa tôi được kêu ra đi “làm việc.” Khi vào phòng, tôi đã thấy hai tên Quản giáo và tên Trưởng khu. Tên Trưởng khu nói: “Đêm hôm chị đã suy nghĩ tự giác mà khai báo chưa?” Tôi đanh giọng: “Có gì mà suy nghĩ, mà khai báo …” Tên Quản giáo nạt nộ: “Không thành khẩn ông cho mầy chết!” Hăn vừa nói xong thì cửa mở ra. Bước vào phòng là anh bạn tù ấy. Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng lòng vẫn giữ bình tĩnh. Hắn đứng lên và hỏi tôi: “Chị biết anh nầy không?” Tôi nhìn anh và trả lời cách dững dưng: “Biết chứ, anh nầy là lao động đưa cơm mà.” “Anh biết chị nầy chứ?” Hắn ta hỏi. Anh nhìn tôi trong lúc hai tên cán bộ kia theo dõi. Anh nói: “Tôi biết chị này ở biệt giam trên tầng ba, thưa cán bộ.” Tên Trưởng khu nhìn anh và tôi xong hắn hỏi: “Chị và anh Tánh nầy có liên hệ gì, hãy tự giác khai ra . Chúng tôi đã biết tất cả chỉ cần chị nói thật thôi!”
(Còn Tiếp)