Giọt Hồng Sương Trên Thềm Ðịa Ngục – Kỳ 1

Linh Phương

 

Có những kỷ niệm dù vui hay buồn, ta ngỡ rằng sẽ quên đi theo tháng ngày tất bật  đi tận cùng triền dốc của nợ áo cơm nơi xứ lạ quê người.  Nhưng không!  Khi lá vàng rơi  báo hiệu mùa thu trở về thì lòng tôi chợt bâng khuâng.  Trong ký ức tôi hiện rõ lên từng nét của kỷ niệm xưa như mới vừa xảy ra đây thôi. Tôi làm sao quên được lúc bị chuyển từ trại Phan Đăng Lưu sang nhà giam T. 30 Chí Hòa, tất cả các nam tù nhân chính trị, và những người  vượt biển bị  bắt thì được dồn vào khu ED, vì tôi là nữ tù nhân thuộc thành phần “phản cách mạng” thì được nhét vào phòng của các “chị em ta” chung với các nữ cán bộ thoái hóa tham nhũng.

 

Phòng chật ních thêm hơn sau vụ chuyển trại nên mọi sinh hoạt trở nên hạn chế, kể cả  từng muỗng cơm hay nước muối.  Tôi được phân công đi đổ rác hay phơi áo quần; mỗi khi được đi làm như thế thì tôi rất phấn khích vì được giãn gân cốt; và thêm nữa,  tôi  được đi qua những phòng trong khu để liếc nhìn những ai đã bị tóm  hay là được nhắn tin miệng qua những câu nói vụn vặt rất lý thú… Chẳng hạn có một anh nói hay hát lên trích câu trong  nhạc phẩm “Mùa Ðông Của Anh”  lời  của  Trần Thiện Thanh như sau:

 

– “Em ơi sao em không thương nó, mà để nó đau nằm liệt chiếu vậy?”

Rồi  có tiếng ai hát: “Xưa hôn em một lần rồi anh ho lao gần chết, xong em đi rồi thì anh ói ra máu; em đi đi thà anh không được hôn còn hơn vô Nhị Tì .. là tì tì tì …”

– “Báo cáo em, anh muốn đăng ký theo em xuống kia đổ rác để  anh thổ lộ nỗi lòng mà đã từ lâu anh ấp ủ ứ ư lúc bên T.. Hai…ự  ứ…mươi  (20)  từng từng tưng từng tưng tưng từng tưng…”

 

Lại  có những câu nói nghe thì như là vô thưởng vô phạt nhưng đó như một lời  khuyên:

 

–  “Em có thương anh thì thương cho trót, chứ đừng bép xép thì hết đường về.”

 

– “Cưng ơi cưng có bị cho ăn bánh “hỏi “hay “thịt  quay” thì bình tĩnh mà ăn, chứ đừng hấp tấp thì vào hầm than nha cưng.”

 

Lúc đó tôi không hiểu “hầm than” là ở đâu và có nghĩa gì?  Sau nầy vì có nếm qua thì tôi mới hiểu được nỗi hãi hùng của hai tiếng “hầm than”  này!

 

Trong trại thường có các tù nhân lao công được lấy từ các tù nhân có hạnh kiểm tốt để  làm tạp dịch hoặc họ được đi theo các cán bộ quản giáo sai làm  những việc vặt.  Nhắc lại thời gian ở trong trại giam tập thể không lâu, sau mỗi lần tôi bị đi “làm việc” về, tôi thường bị cán bộ gán cho nào là “không tự giác, không thành khẩn khai báo.”    Trên giấy  tôi  độc nhất chỉ khai lý lịch thôi,  còn phần khai báo sự việc tôi luôn luôn để trắng. Vì thế, sau vài lần “làm việc” không có kết quả, đột nhiên vào một  chiều kia, họ ra lệnh tôi thu xếp đồ đạc để chuyển trại.   Tôi đã có  kinh nghiệm qua  những lần trước, từ T.20 qua sở Công An Thành Phố, đến Sở Nội Vụ, thế nên, tôi thản nhiên đi theo tên cán bộ để đi lên tầng ba của nhà giam Chí Hòa.   Họ liền giam tôi trong một phòng nhỏ, trước đây là phòng dành cho  tử tội. Tại đây, tôi bị còng hai chân và hai tay cả ngày lẫn đêm;  cơm ăn thay vì được hai chén và bốn muỗng cà phê nước muối, thì nay họ xén bớt chỉ còn một chén rưỡi và hai muỗng nước muối cho một ngày mà thôi. Việc tắm rửa thì mỗi tuần một lần với một sô nước; trên thân tôi chỉ có bộ áo quần duy nhất từ ngày tôi bị họ bắt cho đến ngày về là gần ba năm trường.  Ngày thì nóng hầm hập, đêm thì lạnh cóng; chỉ có một chiếu rách trên sàn xi măng lạnh lẽo đầy vết máu đã khô đen lâu ngày.  Nhìn lên trần nhà thì  tôi thấy đầy những con dơi bám chặt. Họ nói là nhốt tôi riêng tại khu biệt giam này để mà  suy nghĩ và tự giác thành khẩn khai báo.

 

Riêng tôi thì dùng thời giờ để ôn tập ngón nhạc trên sàn xi măng và  học  luyện lại trí nhớ.  Tôi học lén bằng cách gõ ngón tay vào tường, và  qua lỗ tò vò nơi khung cửa sổ tôi ra dấu bằng các ngón tay để “nói chuyện với các bạn tù…”  Tại đây, tôi  ra dấu hiệu bằng ngón tay rồi ráp vần lại để liên lạc với bạn tù nơi các phòng bên.  Vì chỉ một mình tôi là nữ tù nhân chính trị,  nên tôi đã được các bạn tù nam  đặc biệt đối đãi đẹp như đôi khi  họ ném cho viên  đường cái kẹo;  khi thì cây kim đã gẩy ngang để vá áo.  Trong thời gian này, tôi  được học tiếng Nga với thầy Đạt, tiếng  La-tinh với thầy Tiếng, xem chỉ tay hoặc hướng nhà cửa với thầy Diệp hoặc học thiền để giữ sức khỏe…  Các thầy nói trên là những tu sĩ Công giáo có dính líu trong tổ chức chính trị.  Các vị này đã khuyến khích nâng đỡ tinh thần tôi trong những lần tôi đi  “làm việc,”  nói thẳng ra  là tôi đã  bị các tên cai tù tra khảo tinh thần lẫn thể xác. Nếu ai đã qua đoạn đường tù ngục thì mới thấu hiểu được tình người  trong chốn địa ngục trần gian của Cộng sản.  Nơi đây phơi bày mọi  tánh nham hiểm, phản trắc, bán đứng, lừa dối, hợm mình, ganh tị, tuy nhiên,  cũng  tại chốn ngục tù này đã cho thấy tình thương yêu của con người về sự hi sinh, dù có nguy hiểm đến tánh mạng cũng không nao núng nhưng thật ra rất hiếm hoi.   Nơi ngục tù  là cái thước đo được lòng trung tín của con người qua từng thỏi  đường, miếng thịt, muỗng muối, xã ớt hay thỏi xà phòng để thách thức lẫn nhau, cho nên tinh thần của mình phải rất vững vàng trong các tình huống nói trên.

 

(Còn Tiếp)