Giáo Dục Dương Cầm Trong Cộng Đồng Việt Nam tại Hải Ngoại
Linh Phương
Để Tưởng niệm Giáo Sư Âm Nhạc Phạm Thị Lạc Nhân
Trong hơn ba mươi năm qua, đọc các tạp chí giáo dục ở Hoa Kỳ, hầu như kỳ nào chúng ta cũng thấy họ nhắc đến sự thành công của con em Việt Nam tại học đường nói riêng và Á Ðông nói chung. Gần đây lại có một điều thật vui mừng mới là thanh thiếu niên Việt Nam bắt đầu tạo được tên tuổi trong lãnh vực mỹ thuật, đặc biệt là giáo dục âm nhạc dương cầm. Tôi may mắn có chút kinh nghiệm hoạt động trên hai mươi năm trong giới dương cầm bên quê hương Việt nam và trên mười lăm năm dạy âm nhạc tại Hoa Kỳ. Ðặc biệt là cho trẻ em Việt Nam, nên hôm nay tôi đề cập đến hai vấn đề quan trọng: thứ nhất là lợi ích của giáo dục dương cầm và vì sao chúng ta nên cho con em học âm nhạc dương cầm; thứ hai là những nét đặc biệt về giáo dục dương cầm trong cộng đồng Việt Nam.
Nguyệt san Good Housekeeping có mở một cuộc điều nghiên trong các gia đình người Mỹ: – Trong 100 bà mẹ có 74 bà muốn cho con cái được học nhạc. Trong số những người muốn học nhạc, thì có 85 bà đã chọn dương cầm cho con mình. Ở Mỹ, cứ ba nóc nhà thì một nhà có đàn dương cầm, và con số những người tiếc là lúc nhỏ không được học dương cầm nhiều gấp mười lần những người biết đàn. Ngày xưa, học âm nhạc là một việc phù phiếm nhưng cái trào lưu học âm nhạc bên Âu Châu từ ba bốn trăm năm nay càng ngày càng bành trướng mạnh. Nguyên nhân nào đã tạo trào lưu trên? Người Âu Châu nói : Âm nhạc làm cho phong tục thuần hậu hơn (la musique adoucit les moeur). Ði vào chi tiết, các nhà giáo dục đã khám phá rằng giáo dục âm nhạc ảnh hưởng trên cơ thể, trên tinh thần, trên linh giác của mọi cá nhân, và từ đó lan rộng trong cộng đồng xã hội.
Phân tích cho kỹ, trước tiên là vấn đề tập luyện thể chất. Học dương cầm buộc nhạc sinh phải chuyên tâm, phải luyện trí nhớ, luyện cách nhận diện nốt nhạc (thị giác) và nghe đúng nốt nhạc (thính giác) truyền thông với phím đàn (xúc giác); vô tình người học đàn dương cầm mỗi ngày phải đều đặn huấn luyện cơ thể như là một người chuẩn bị đi thi tại thế vận hội. Cơ thể phải mạnh để giúp cho việc huấn luyện tinh thần mà người học dương cầm mỗi ngày phải theo đúng khuôn thước, trước tiên là kỹ luật. Học để đàn được một khúc nhạc trên dương cầm thoạt tiên nhạc sinh phải theo được và theo đúng các đòi hỏi căn bản về cách ngồi, cách dùng tay chân, cách đọc, cách nghe, cách hiểu. Vô tình em nhỏ học dương cầm tự ép buộc mình vào kỷ luật, và em thấy rõ rằng nếu không làm theo là thất bại ngay. Ðàn dương cầm không phải cần chỉ khéo tay và học thuộc nhạc, mà quan trọng hơn nữa là phải hiểu nhạc. Từ đó người ấy mới khắc phục khó khăn để đàn hết bản nhạc và đàn đi đàn lại nhiều lần, có thể cả trăm lần cho thuộc hơn, cho hay hơn. Do đó mà nảy sinh ra cái ý muốn hướng về chính xác và hoàn mỹ. Thế cho nên nhờ học nhạc, nhất là âm nhạc dương cầm mà thiếu niên tại học đường, thanh tráng niên trong xã hội dễ thành công trong việc học vấn và trên đường sự nghiệp, và nhất là dễ hòa đồng dễ kết hợp với người khác.
Giáo dục dương cầm giúp thanh thiếu niên rèn luyện đức tính và biết cách xử thế, các đức tính này nảy nở trong em trẻ học dương cầm từ lúc bé sẽ đi theo em suốt đời. Vì thế em sẽ dễ thành công trong sự nghiệp sau này. Trẻ em được huấn luyện về dương cầm sẽ có nhiều nghị lực nắm vững vấn đề, em có nhiều tự tin hơn khi hữu sự. Do đó mà ít khi có trường hợp nào có một em bé ham học đàn mà lại học dỡ, một thanh niên chuộng nhạc mà lại thất bại trong công việc làm. Ðến đây ta chỉ nói những lợi ích thực tế, còn có một điều lợi ích vô cùng quan trọng, giáo dục dương cầm đem lại cho mọi người, đặc biệt là cho người lớn, đấy là thú tiêu khiển tinh thần phong phú vô cùng quí giá. Có những người lớn khi đến lớp học nhạc, vài phút đầu tinh thần rất là căng thẳng, ưu tư nhưng khi hết giờ ra về, chúng ta nhìn thấy nét mặt họ có vẻ mất điều âu lo vì âm nhạc đã làm con người lấy đi sự căng thẳng đè nặng trong tâm hồn dù không dễ gì ai cũng làm thơ được, không dễ gì làm họa sĩ hay điêu khắc, họ phải có khiếu và sáng tạo nữa.
Cây đàn dương cầm hiện nay ở ngoài thị trường nằm trong tầm tay của mọi gia đình trung lưu, học đàn dương cầm cũng không phải khó khăn và chỉ cố gắng đôi tháng, các phần thưởng tinh thần để tiêu khiển sẽ đền bù gấp trăm lần sự cố gắng mua một cây đàn và học nhạc mỗi ngày vài chốc lát. Ðó là chưa nói đến điều lợi ích cao quí và thiêng liêng mà giáo dục dương cầm đem lại cho mọi người có ý muốn sống hướng thiện, hướng mỹ. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, khó cho người viết khảo sát đủ mọi mặt vấn đề giáo dục dương cầm. Tôi muốn bàn đến điểm thứ hai là việc giáo dục dương cầm trong cộng đồng người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ. Cho đến nay, chưa có một người nào trong lãnh vực âm nhạc khảo sát tường tận về người Việt chúng ta học nhạc dương cầm Tây Phương, chúng ta không có tài liệu nào xác thực để thảo luận. Một cách trình bày vấn đề cho rộng đường dư luận là so sánh người Việt học dương cầm với người Tây Phương và đặc biệt người Á Ðông để từ đó chúng ta nhận diện ưu khuyết điểm, có một vài nhận định để chúng ta cùng suy nghĩ. Trước tiên, chúng ta nhận rõ ra một thành kiến là con em chúng ta không so sánh được trong phạm vi giáo dục âm nhạc Tây Phương với các dân tộc gốc Tây phương đã có truyền thống học dương cầm bao nhiêu thế hệ trước.
Hơn mười thế kỷ thấm nhuần âm nhạc tôn giáo trong thánh đường mới sản xuất ra được âm nhạc hành lễ của nhạc sư J.S. Bach. Tài đánh đàn của ông Bach được tạo nên vì cha truyền con nối bao nhiêu năm sống trong nhà thờ. Phải có một tâm hồn đặc biệt phong phú như đại nhạc sư Beethoven lúc sống trong những điều kiện xã hội lựa chọn, hướng về nghệ thuật tại Âu Châu vào thời kỳ hưng thịnh của chế độ quân chủ và cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ 18, 19 mới làm ra được các bài nhạc dương cầm lưu truyền muôn đời. Và để đánh đàn hay như Beethoven lúc sinh thời. Tuy nhiên, những điều mặc cảm này tiêu tan khi ta nhìn qua thanh thiếu niên Trung Hoa, Nhật Bản và Ðại Hàn. Trong khoảng ba mươi năm gần đây người Á Ðông đã đạt rất nhiều các giải thường dương cầm cổ điền Tây Phương. Nếu chúng ta có dịp đi quan sát các kỳ tuyển lựa nhạc sinh dương cầm tại Hoa Kỳ, ta sẽ thấy đa số thí sinh và rất nhiều người được tuyển chọn là người Á Ðông. Cách giải thích hợp lý là âm nhạc Tây Phương cũng hòa hợp với tâm hồn Á Ðông vì con người là muôn thuở ở mọi nơi vẫn là một. Cách giải thích thứ hai là sự vươn lên quyết tâm khắc phục khó khăn của người Á Ðông sống trong xã hội Hoa Kỳ. Người Việt Nam chúng ta so sánh với người Trung Hoa, Nhật Bản, Ðại Hàn lại có một điểm lợi lớn là chúng ta quen thuộc nhiều với Tây Phương qua 100 năm chung sống với người Pháp. Nếu muốn hoà hợp và cảm thông với Tây Phương, chúng ta vẫn tránh được nhiều nhịp cầu khó khăn lúc đầu. Các điểm lợi nói trên tiếc thay thường bị một số điểm bất lợi làm tiêu tan. Ðiểm bất lợi rõ ràng nhất là các bà mẹ Việt Nam thường cố gắng cho con học đàn dương cầm không phải nhắm hướng vào các điều ích lợi về lâu dài và có tính cách cao sâu mà người viết đã đề cập trên đây, nhưng các phụ huynh nhiều lúc chỉ nhắm vào cho con em trình diễn. Trình diễn trước công chúng rất có lợi, vì khích lệ cho trẻ em và tập cho con em mạnh dạn trước đám đông, trước khán giả. Ðó cũng là một điều khích lệ, một niềm hãnh diện cho phụ huynh đã chịu đựng hy sinh lớn cho con cái học dương cầm nhất là khi em bé hay cô cậu thanh niên có năng khiếu có tài. Nhưng chú trọng quá nhiều vào việc trình diễn sẽ có hại về lâu dài cho việc học đàn của con em. Các cuộc trình diễn tuyển lựa nhạc sinh thường có tính cách định kỳ. Muốn tham dự, nhạc sinh phải học nhiều và học mau cho kịp thời gian. Vì vậy, bắt trẻ em ráng sức quá nhiều để tập đàn, vừa phải học các bài vở tại nhà trường, vì thế, các em đã bỏ qua một số qui tắc giáo phạm quan trọng: phải đi từng bước, từng giai đoạn. Ngoài ra, ta phải nghĩ đến một số trẻ em có bản tánh nhát sợ quần chúng, bắt chúng phải trình diễn làm cho chúng sợ không chịu học đàn nữa.
Trong kinh nghiệm dạy dương cầm khá lâu của tôi, người viết đã thấy trường hợp em bé có năng khiếu học đàn mà vì bị phụ huynh ép buộc phải sớm trình diễn, em đã phản ứng lại bằng cách bỏ đàn. Ðó là chưa nói đến vài phụ huynh vì quá nóng lòng cho con trình diễn rồi họ thất vọng vì kết quả kém xuất sắc của con em đã làm gián đoạn việc học đàn của con. Ðiểm bất lợi thứ hai là cái quan niệm giáo dục của các bà mẹ Việt Nam cố gắng làm việc đài thọ học phí cho con em học đàn và ngồi chờ. Sự thật là trẻ em học dương cầm cũng như học chữ cần nhất là sự giúp đỡ của cha mẹ. Tôi không nói đến trường hợp của vài bà mẹ tha thiết với việc học của con đến độ cũng ghi tên học để dạy con. Nhưng sự đóng góp có nhiều cách. Học dương cầm thường bắt đầu rất sớm, bà mẹ Việt Nam có thể dìu dắt con từng bước lúc đầu và chắc không có một phần thưởng tinh thần nào đẹp hơn là thấy con tiến bộ từng ngày. Lớn hơn nữa, học đàn gần mẹ càng làm thắt chặt hơn tình mẫu tử, càng tạo cơ hội cho hoà hợp tâm hồn. Tôi biết là phần đông các gia đình Việt Nam chúng ta đang vật lộn với đời sống, thì giờ đâu mà đi học đàn để dạy cho con học, hoặc là suốt buổi ngồi canh cho học đàn nhưng tôi nghĩ là vấn đề nên đặt ra sớm để chúng ta nghĩ sớm. Muốn cho con em học đàn, phụ huynh phải cộng tác với giáo sư. Nguyên tắc căn bản về giáo phạm này càng phải được áp dụng trong giáo dục dương cầm.
Điểm bất lợi cuối cùng là quan niệm giáo dục dương cầm của gia đình Việt Nam chúng ta nói chung, nhiều bậc cha mẹ cho rằng vì học đàn quá tốn kém nên phải thúc đẩy đứa trẻ thành công sống với nghề đàn. Trong một khuynh hướng khác phụ huynh cho rằng con em mình học đàn cho vui, họ xem phòng dạy dương cầm như là một nhà giữ trẻ. Trong trường hợp thứ nhất, phải nhận thức là một trăm người học đàn, hoạ hoằn lắm chỉ có một người sống với nghề đàn, tuy phần thưởng tinh thần vô giá, nhưng quyền lợi vật chất không là bao, chỉ có một số người kiên tâm chấp nhận hy sinh cho nghệ thuật mới có can đảm đi tới cùng. Trường hợp thứ hai ta phải thức tỉnh các bậc phụ huynh sớm. Học dương cầm sớm lại rất nhiều lợi ích cho con em và ngay cho chúng ta. Ngay cả nhiều người chỉ được học có ba năm rồi vì hoàn cảnh phải bỏ, cũng nhận thức sự lợi ích theo mình suốt đời. Giáo dục dương cầm là phần căn bản của giáo dục âm nhạc, và nhạc là một phần không thể thiếu được trong sinh hoạt toàn diện của xã hội Tây Phương. Nếu chúng ta, cộng đồng Việt Nam, muốn được kết nạp hoàn toàn và đồng hóa trong xã hội mới đã cưu mang, chúng ta không thể quên cái điều thật quan trọng này!