50 THÁNH CA BA DÒNG – TRÌNH ĐỘ CĂN BẢN – Mục sư Nguyễn Hữu Ninh
LỜI GIỚI THIỆU
Kính thưa quí vị:
Âm nhạc trong lễ nghi thờ phượng Thiên Chúa giữ một vai trò rất quan trọng: Lời ca tiếng hát từ con tim của Ki-tô hữu (Christian) như là một của lễ dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi, thêm vào đó là tiếng nhạc qua các nhạc khí cùng trổi lên tạo một âm vang thật tuyệt diệu! Hội Thánh Chúa theo đà tiến triển của tân thời đại. Nay đã có nhiều bạn trẻ nam nữ có năng khiếu về âm nhạc qua các lãnh vực ca hát, đệm đàn dương cầm hoặc keyboard. Trong các hội thánh cũng có ban nhạc (band) với guitars, trống, kèn saxophone, vĩ cầm…
Riêng trong lãnh vực đệm dương cầm, cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy có một tài liệu đặc biệt nào ấn hành chỉ dẫn cách đệm dương cầm cho hội chúng hát ngợi khen Chúa trong các nhà thờ Tin Lành Việt Nam tại quê nhà hay tại hải ngoại. Nay nhận thấy nhu cầu của hội thánh Chúa người Việt tại hải ngoại trong lãnh vực âm nhạc, và cũng thể theo ý của một số bạn trẻ muốn có một tài liệu soạn đặc biệt cho người đệm dương cầm trong các lễ thờ phượng Thiên Chúa. Người viết đã hội ý với Giáo sư Âm nhạc Linh Phương cũng là một tín hữu trong Hội Thánh nơi tôi quản nhiệm hiện nay để nhờ bà thực hiện tài liệu quan trọng này.
Tưởng cũng nên nói, Giáo sư Linh Phương người đã tốt nghiệp Viện Quốc Gia Âm nhạc tại Saigon (1967) về bộ môn dương cầm. Bà đã có hơn 45 năm kinh nghiệm về sư phạm cũng như nghiên cứu trong lãnh vực dạy âm nhạc, dạy dương cầm và keyboard trước năm 1975 tại Saigon cũng như tại hải ngoại từ năm 1985 cho đến nay. Khác với các nhạc sinh đồng môn đã xuất thân từ Viện Quốc gia Âm nhạc Saigon, chỉ riêng bà Linh Phương là người duy nhất cho đến nay vẫn còn gắn bó với âm nhạc qua các hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật âm nhạc..
Ngoài kinh nghiệm giảng dạy có tính cách chuyên khoa sư phạm, bà Linh Phương còn là người sáng tác nhạc (composer), là một nhạc trưởng (conductor) điều khiển đại ban hợp xướng tại một nhà thờ Thủ đô Saigon trước năm 1975. Đặc biệt, trong năm 2001, nữ Nhạc sĩ Linh Phương đã được International Biographic Center, Viện Đại học Cambridge, England trao tặng Huy chương Danh dự một trong 2000 “Nhạc sĩ Xuất sắc của Thế kỷ XX” do International Biographical Center, viện Đại học Cambridge, England trao ngày 7-9-2001 tại Luân Đôn, Anh quốc.
Thành thật mà nói, từ trước cho đến nay, tôi chưa thấy có nhạc sĩ Cơ-đốc nào đã soạn tài liệu đệm đàn dương cầm như quyển ‘Thánh Ca Ba Dòng.’ Sau nhiều tháng ngày, dù rất bận rộn công việc dạy nhạc, Giáo sư Linh Phương đã dành ra nhiều thì giờ, tâm sức để soạn và viết lại các bài trong quyển Thánh ca của Giáo hội The Christian &Missionary Alliance nhằm mục đích góp phần trong mục vụ âm nhạc thờ phượng Thiên Chúa. Năm 2012, Giáo sư âm nhạc Linh Phương đã cho ấn hành quyển ‘Thánh Ca Ba Dòng’ soạn đặc biệt cho người đệm dương cầm. Có nhiều tín hữu đã đáp ứng nồng nhiệt và quyển sách này đã được bán hết. Có nhiều tín hữu cho biết rằng vì quyển sách nói trên dành cho người có trình độ cao, nay có nhiều bạn trẻ yêu âm nhạc, có tinh thần phục vụ Chúa, họ muốn học và tập luyện phương pháp đệm dương cầm hoặc Keyboard nhằm mục đích ca ngợi Thiên Chúa trong giờ thờ phượng. Vì thế, họ cần có một tài liệu soạn cho trình độ căn bản dành cho người mới bắt đầu tập luyện đệm nhạc.
Để đáp ứng nhu cầu hợp lý này, nữ Giáo sư âm nhạc Linh Phương đã dành ra khá nhiều thì giờ để soạn những thánh ca đệm nhạc với trình độ căn bản dành cho các bạn trẻ. Đa số các ca khúc này đã được trích ra từ quyển Thánh ca của The Christian & Missionary Alliance Việt Nam xuất bản năm 1988 tại Hoa Kỳ. Đây là những đoản ca dễ hát rất thích hợp để ca ngợi Chúa trong những giờ nhóm thờ phượng Chúa và hiệp nguyện. Thật đặc biệt, cũng trong quyển này có một số ca khúc do nữ Giáo sư Linh Phương sáng tác.
Mong rằng công trình soạn nhạc của Giáo sư Linh Phương sẽ giúp các bạn trẻ yêu âm nhạc có tấm lòng muốn phụng vụ Chúa trong lãnh vực âm nhạc, sau những tháng năm tập luyện các bạn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Và đấy cũng là lòng ước mong của soạn giả nhằm mục đích góp phần xây đắp Nhà Chúa.
Houston, Mùa Xuân Năm 2015
Mục sư Nguyễn Hữu Ninh Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam Houston, Texas
www.vietnameselutheranchurch.org
Các bạn trẻ thích học nhạc để phục vụ Chúa và Hội thánh muốn mua quyển sách nói trên, vui lòng liên lạc:
Lê Linh Phương
P.O. B0X 385
ALIEF, TX 77411
PHONE: (832) 512-4764
Lời Mở Đầu – Linh Phương
Các bạn thân mến !
Năm 2012, Linh Phương đã viết quyển sách nhạc Thánh ca Ba dòng cho người đàn Piano biết cách đệm phần tay trái nhẹ nhàng trong các giờ thờ phượng Thiên Chúa với trình độ cao.
Lần này, Linh Phương soạn đặc biệt 50 Thánh Ca ngắn gọn mà tín hữu thường ca hát trong giờ thờ phượng Chúa, tại các buổi hiệp nguyện hoặc tại các nhóm nhỏ học Kinh Thánh gồm các đoản ca. Đặc biệt trong quyển này, Linh Phương soạn cho trình độ căn bản dành cho mọi lứa tuổi. Khi bạn muốn luyện và tập đệm một bài nhạc thì phải hiểu những điểm cần thiết và quan trọng sau đây :
Nhớ rằng nhạc đệm Ba dòng có ba hàng:
1- Hàng thứ 1 của Khóa SOL dành cho người hát (vocal). Người đệm và người hát nhìn chung bản nhạc để theo dõi vài trường canh (Measure – Bar line), người đệm dạo đầu (Introduction hay Intro.) và người hát sẽ bắt nhịp ăn khớp người người đệm.
2- Hàng thứ 2 của Khóa SOL dành cho tay mặt, người đệm nhạc cần nhớ giai điệu Melody và số ngón tay. Tác giả đã viết số ngón để đệm cho đúng hợp âm (Chord -Acccord), nếu bạn đệm đúng số ngón, lâu dần bạn sẽ quen với giai điệu thì tiếng đàn đệm nghe êm ái (smooth), tiếng nhạc không nặng nề đốp chát trong buổi nhóm thờ phượng Chúa để có sự thanh nhã nhưng trang nghiêm trước Thiên Chúa.
3- Hàng thứ 3 Khóa FA: Tay trái, đây là phần tối quan trọng cho người đệm nhạc. Cần ghi nhớ:
Nghe bản nhạc vài lần cho quen giai điệu (Melody) của phần hát (Vocal). Ngón tay trái số 5 (ngón út) là chủ âm (Root) của hợp âm, nên phải đàn đúng chủ âm. Soạn giả viết Hợp âm trên đầu hàng nhạc thứ 1 các hợp âm theo bản nhạc như :
C Do – D Re – E Mi – F Fa – G Sol – A La – B Si. Mỗi chủ âm ta để ngón tay số 5 vào đúng phím đúng Tone hay Key của bản nhạc thì người hát nghe được dòng nhạc melody mới bắt giọng đúng. Đó là phần căn bản của Tay Trái đệm Hợp âm hoặc xem Khóa FA nốt nhạc đúng chủ âm của nó, không kể có vài Hợp âm đảo (Inversion) nhưng cũng nằm trong chủ âm.
Ví dụ: Bài nhạc có Tone là DO Trưởng (C Major) ta đệm: Do – Mi – Sol. Nếu ngược lại thì sẽ là Mi – Sol – Do cũng nằm trong chủ âm DO Major. Trong quyển này, bạn hiểu giản dị như thế, dễ thực hành. Theo thời gian tập luyện thì trình độ của bạn sẽ tăng tiến hơn, kỹ thuật cao hơn, hoa mỹ nhiều hơn, tùy bản nhạc nhưng vấn đề căn bản chính vẫn là Tone gốc (Root) là chính. Tuy nhiên, người đệm thánh ca không nên chú tâm nhiều quá đến phần hoa mỹ, vì như thế sẽ tạo thành sự lấn át giai điệu. Điều cần nhất là bạn phải giữ nhịp cho vững và đệm đúng Hợp Âm.
Điều quan trọng là sự bắt đầu vào Tone nhạc. Nếu bạn bắt đầu không đúng cách sẽ tạo nên lộn xộn: người hát sai Tone không ăn khớp với người đệm nhạc, khiến người đệm nhạc lúng túng. Điều cần thiết là người đệm phải bình tĩnh, và bạn nên tập đệm trước với người hát nhiều lần để hòa hợp với nhau.
Trong quyển này, soạn giả viết phần nhạc dạo đầu (Intro.) để hát vào bản nhạc. Nếu có ca khúc khác không có phần nhạc dạo (Intro.) thì bạn lấy 4 trường canh đầu của bài thánh ca để hội chúng hay người hát có thể bắt đầu đúng Tone vào bài hát.
Bạn cần tập hai tay riêng chắc nhịp, phải nhẫn nại, đàn chậm cho quen hợp âm (Chord) và đúng nhịp. Hãy đàn nhiều lần để thuộc bài. Sau đó, bạn sẽ ra dấu hiệu như gật đầu hay đếm nhịp cho người cùng hát với mình thật ăn khớp.
Thông thường, với một bài nhạc quen thuộc, ta hay ỷ lại vì quen nên bỏ qua phần kỹ thuật và bổn phận dẫn đệm hay bắt nhịp nhanh, khiến người hát lúng túng không biết bắt đầu lúc nào, nên không nghe rõ sự dẫn nhạc Tone của người đệm. Vì thế, người đệm phải nhẫn nại tập luyện đàn để các giác quan của mình làm việc ăn khớp với nhịp tim đập, thính giác và hai bàn tay cùng hòa thanh âm, nhịp điệu cộng thêm đôi mắt phải theo dõi bản nhạc.
Tóm lại, Linh Phương mong mõi quí bạn thực tập theo lời chỉ dẫn sau đây:
– Hãy nhẫn nại tập luyện đàn, ví như mưa lâu thì thấm đất, bởi vì “dục tốc bất đạt”. -Yêu âm nhạc, yêu Chúa và nung nấu có lửa trong lòng để đôi bàn tay bạn tạo nên âm thanh ca tụng Chúa hòa cùng anh chị em môi miệng ca tụng Chúa Thiên thượng,
Đấng đã ban cho mình khả năng. Khi bạn cố gắng và quyết tâm tập luyện thì sẽ thấy kết quả như thấy nụ hoa từ ngày này qua ngày khác sẽ nở lớn dần.
Soạn giả có đôi lời chân thành cùng quí bạn trên cuộc hành trình phụng vụ Chúa trong lãnh vực Âm nhạc Thánh để cho tiếng hát cùng tiếng đàn quyện nhau sẽ là gấp ba lần lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa.
Mong lắm thay!
Linh Phương
Houston, Texas Mùa Phục Sinh 2015
GHI CHÚ
Trong các bản nhạc, tác giả ghi chú những dấu hiệu để quí bạn tiện theo dõi, thực hành và hiểu như sau:
1- Số ngón tay mặt và tay trái. (Xem trang có ảnh Hai Bàn Tay)
2- Dấu Cộng ( + ) dấu hiệu chuyển ngón để nốt đi lên hay có nốt số ngón đi xuống tréo ngón (cross over). Nhìn thấy dấu hiệu trên ta biết và bắt kịp nốt.
3-Trường hợp những bài nhạc có dấu Thăng ( # ) hay dấu Giảm ( b ), luật nhạc pháp không cho phép viết các dấu trong bản nhạc, vì đã có ở đầu bài gần bộ khóa như khoá Sol hay khóa Fa.
Ví dụ: Tone Sol Trưởng (G Major), luật bắt buộc phải có dấu Fa thăng (#)
Soạn giả nhắc điều này: Trong các bài dẫn cho người đệm hay dễ quên luật trên, quyển sách này chỉ dẫn những điều căn bản tối thiểu để giúp cho người đàn tránh các thiếu sót trên đây. Vui lòng xem trang Thánh ca Tiệc Thánh #379, và Bàn Tay Dâng Lên # 337. Nếu bạn nghe lạc giai điệu hay hòa âm sau khi bạn vừa đàn xong thì đấy là sai rồi. Dần dần khi ta quen tai nghe thì sẽ tìm ra âm luật: Áp dụng thực hành theo hai phương thức: nghe bằng tai (play by ear) và theo âm luật của Âm giai (Scale).
May 17, 2023 @ 12:06 am
אתה צריך לקחת חלק תחרות עבור אחד של הגדול אתרים ברשת . אני הולך ממליץ אתר זה!